• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cần quan tâm giáo dục, phát triển toàn diện học sinh, sinh viên

Văn hoá 18/09/2017 16:11

(Tổ Quốc) - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp.

Sáng 18/9, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và chia vui cùng thầy, trò Học viện.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển giáo dục nói chung, phát triển tài năng nói riêng và đã đặt mục tiêu trong Chiến lược phát triển con người là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2020.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2017-2018 của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

 

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”. Đây sẽ là những tiền đề tốt đẹp giúp ngành phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và tận tâm từ các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật nói chung và Học viện Âm nhạc Quốc gia nói riêng.  

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho rằng, năm học 2017- 2018 là năm học đánh dấu nhiều đổi mới. Một loạt khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động, các văn bản áp dụng trong công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, mở mã ngành, đội ngũ nhà giáo, cụ thể như: Về thời gian đào tạo và cơ sở đại học văn hóa nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật là các nghệ sĩ có uy tín, có danh hiệu NSND, NSƯT thuộc các ngành nghệ thuật biểu diễn không đào tạo trình độ tiến sĩ; cho phép công nhận, vận dụng quy đổi một số tiêu chuẩn tương đương, đặc thù đối với các ngành nghệ thuật trong việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, quy định mở mã ngành, về chế độ chính sách đối với giảng viên như kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên trên 70 tuổi có học hàm, học vị; cơ chế về tự chủ các trường đại học… Đặc biệt, 11 ngành văn hóa nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh, dân tộc truyền thống và đặc thù được Phó Thủ tướng cho phép theo cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo giao kinh phí; xây dựng Đề án hỗ trợ các ngành đào tạo Văn học nghệ thuật truyền thống…

Thứ trưởng tặng hoa chúc mừng năm học mới thầy và trò Học viện

 

Thứ trưởng đề nghị Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam tập trung triển khai thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp năm học 2017-2018 đã được ngành Giáo dục-Đào tạo phát động và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Bộ đã triển khai tại Hội nghị tổng kết công tác năm học 2016-2017, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017-2018 đã được tổ chức vừa qua với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển”.

Tiết mục biểu diễn tại Lễ Khai giảng năm học mới

 

Thứ trưởng yêu cầu, Học viện cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Học viện, làm sao để đội ngũ này trở thành lực lượng tinh nhuệ, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo Âm nhạc chuyên nghiệp với phương châm “thầy giỏi để có trò giỏi”.

Tăng cường công tác dự báo, định hướng nghề nghiệp cho người học. Gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động biểu diễn, nghiên cứu khoa học… và thực tế đời sống văn hóa - xã hội trong nước, quốc tế để tạo cơ hội, điều kiện việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Học viện để người học, phụ huynh, các đơn vị tuyển dụng biết và giám sát. Thực hiện những cam kết của Học viện với xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra.

Tập trung đào tạo tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật theo tinh thần hai Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội, đưa Trường phát triển mạnh mẽ, bền vững. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nhà trường cần triển khai nhanh chóng, nghiêm túc việc thành lập Hội đồng trường và thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng đào tạo.

Thứ trưởng trao Bằng Tiến sĩ cho hai học viên của Học Viện

 

Cùng với các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng cũng đề nghị, ngay trong năm học này, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, năm học 2017-2018 là năm bản lề, đánh dấu sự “dịch chuyển” mô hình đào tạo của nhà trường. Học viện sẽ từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa đào tạo. Đứng trước nhiều thách thức, năm học này cũng là thời điểm rà soát, chỉnh sửa, đổi mới chương trình đào tạo các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, tiệm cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, hướng đến đào tạo cho đất nước nhiều tài năng âm nhạc, không chỉ trong nước mà có thể vươn ra thế giới./.

Tin: Hồng Hà, ảnh: Minh Khánh

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ