• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng kiểm tra trực tuyến chống dịch lúc nửa đêm, chỉ ra hàng loạt sơ hở, điểm yếu của một số địa phương

Thời sự 15/09/2021 16:17

(Tổ Quốc) - Lúc 23h, Thủ tướng kết nối trực tuyến với lãnh đạo Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Tối 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 4 Bộ trưởng đã tiếp tục trao đổi trực tuyến với lãnh đạo 6 phường, xã đang có diễn biến dịch phức tạp để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại những địa bàn này.

Cụ thể gồm: Phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá; Xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang); Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Xã Lương Hòa Lạc; huyện Chợ Gạo, (Tiền Giang); Phường An Hòa, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) và thị trấn Long Bình, huyện An Phú (An Giang).

Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương này đều đang thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7, tuy nhiên, công tác chống dịch vẫn còn nhiều sơ hở từ cấp tỉnh, huyện, xã. Việc thực hiện xét nghiệm, trả kết quả còn chậm và chưa theo hướng dẫn, chưa triển khai xây dựng trạm y tế lưu động tại các khu vực có ca mắc cao.

Thủ tướng kiểm tra trực tuyến chống dịch lúc nửa đêm, chỉ ra hàng loạt sơ hở, điểm yếu của một số địa phương - Ảnh 1.

Thủ tướng họp trực tuyến với lãnh đạo huyện An Phú (An Giang). Ảnh cắt từ video VTV.

Nhiều nơi số ca trong cộng đồng vẫn tăng lên, như thị trấn Long Bình của huyện An Phú (An Giang) ngày 14/9 đã phát hiện tới 32 ca trong cộng đồng. 

Nhận định tình hình tại An Phú đang rất nguy hiểm, Thủ tướng đã điện thoại chỉ đạo trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu dồn toàn lực tập trung kiểm soát dịch tại huyện này. 

Còn theo VTV, vào lúc 23h Thủ tướng kết nối trực tuyến với lãnh đạo Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của huyện An Phú.

"Một huyện đỏ quạch như thế này rồi mà vẫn không có triển khai trạm xá lưu động là như thế nào? Cái này đã phổ biến bao nhiêu ngày rồi. Vì vậy, bây giờ phải tập trung làm mấy việc.

Thứ nhất sơ tán dân ra khỏi khu vực đông dân vì để đây sẽ lây tiếp, rất nhanh. Thứ hai, tỉnh tập trung lực lượng lên An Phú này để xét nghiệm trong vòng 1 tuần và phải ít nhất 3 lần để bóc F0 ra. Nếu ai âm tính đưa ra các trường học sơ tán. Nếu ai dương tính, đưa đi chăm sóc, điều trị. Làm sạch khu vực này xong đưa dân trở lại và làm trong tuần này. 

Thứ ba, triển khai các trạm xá lưu động và quan trọng nhất là phải đầy đủ oxy, thuốc men để người dân tiếp cận sớm nhất...", VTV dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng chỉ ra 3 điểm yếu các địa phương này cần rút kinh nghiệm là: Thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu; giãn cách nhưng thực hiện biện pháp y tế không đúng và giãn cách nhưng thực hiện không nghiêm các chỉ đạo trong các công điện của Thủ tướng

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế ngay trong sáng 15/9 phải có công điện gửi tất cả các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 về việc thực hiện giãn cách phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải đạt được mục tiêu; thực hiện xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ dân khu vực giãn cách, 2 ngày/lần; xét nghiệm ít nhất 3 lần; và triển khai ngay các trạm y tế lưu động.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã có Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu: khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm real-time RT-PCR (RT-PCR). Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.

Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.



Hoàng Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ