• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: "Lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phải thực sự tận tâm, tận lực"

Thời sự 26/05/2020 16:16

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vùng kinh tế trọng điểm là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Vì thế, "chúng ta cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia”. Yêu cầu cần triển khai sớm, cần làm kỹ, rà soát đầy đủ trên các lĩnh vực để khắc phục cho được những vướng mắc hiện nay...

Thủ tướng: "Lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phải thực sự tận tâm, tận lực" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp (Nguồn: VGP)

Sáng nay, 26/5, Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ). 

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, địa phương báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Thủ tướng về phát triển kinh tế các vùng KTTĐ, trong đó có việc đầu tư các dự án mang tính kết nối trong vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa như các dự án giao thông, các chuỗi liên kết phát triển du lịch, logistic, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, các dự án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có ý kiến cho rằng, về lâu dài cần có luật về phát triển vùng KTTĐ, có như vậy mới tháo gỡ khó khăn một cách căn cơ hơn, làm rõ vai trò của hội đồng vùng, cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực…

Các tỉnh, thành phố cũng cho biết thêm về mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách có thể đạt được trong năm nay của địa phương mình.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vùng KTTĐ là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước. “Chúng ta cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia”. Đây là yêu cầu cần triển khai sớm, cần làm kỹ, rà soát đầy đủ trên các lĩnh vực để khắc phục cho được những vướng mắc hiện nay, khắc phục tình trạng "trùng dẫm" hay "mạnh ai nấy làm".

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ quan trọng này để tạo thuận lợi cho các vùng phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phải đi đầu trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, đặc biệt là thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia có năng lực công nghệ hàng đầu, đứng đầu các chuỗi giá trị.

Cho rằng các vùng KTTĐ có nhiều điều kiện huy động vốn xã hội, Thủ tướng lấy ví dụ về chuyến công tác Quảng Ninh vừa qua, tỉnh vùng Đông Bắc bộ này đã làm sân bay, bến cảng, đường cao tốc mà phần lớn từ vốn xã hội.

Trong kinh tế vùng, cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sớm triển khai một số tuyến cao tốc đã quy hoạch. Từng vùng, từng địa phương cần chú ý 2 việc: Phải hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và nỗ lực hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay, đặc biệt là tăng trưởng và thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hậu COVID-19.

Thủ tướng: "Lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phải thực sự tận tâm, tận lực" - Ảnh 2.

Nguồn: VGP

Về cơ cấu lại kinh tế vùng, thu hút đầu tư, Thủ tướng đề nghị các hội đồng vùng, từng địa phương tận dụng cơ hội từ việc đã kiểm soát, chống dịch COVID-19 thành công, đi trước các nước để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vùng KTTĐ, nhất là các trung tâm kinh tế, phải là những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu. Chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội. Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết không được gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, đặc biệt là nhân lực, để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao.

Bộ Kế hoạch và  Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương phải luôn theo sát, đồng hành cùng các vùng KTTĐ, từng địa phương trong thu hút vốn đầu tư. 

Về thể chế phát triển vùng KTTĐ, theo Thủ tướng, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Tuy nhiên, cần có biện pháp, lộ trình phù hợp, có việc làm ngay, có việc cần thời gian. Việc làm ngay đó là phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng. 

Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, không nên coi đây là sinh hoạt câu lạc bộ mà phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương. “Các đồng chí lưu ý, không có địa phương nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Trong 4 vùng KTTĐ, có 2 vùng chịu nhiều thiên tai nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, bây giờ đang gặp nắng hạn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng KTTĐ tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, “có ngay các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch”.

Với từng vùng KTTĐ cụ thể, trước hết, Thủ tướng nêu rõ, vùng KTTĐ Bắc bộ với trọng tâm là "tam giác phát triển" gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

Vùng KTTĐ miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch. Cần có đề án phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây Nguyên thành vùng trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới.

Vùng KTTĐ phía Nam phải tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tàu của TPHCM để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới.

Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng có trình độ phát triển chưa cao, cần phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây... Phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến. Thực hiện tốt Nghị quyết 120/N Q-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển vùng KTTĐ để xin ý kiến Chính phủ.

Tại cuộc họp, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011-2019, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,25%. Quy mô GRDP của toàn bộ 24 địa phương thuộc 4 vùng KTTĐ so với GDP của cả nước ở mức trên 70%.

Hà Nội và TPHCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân năm trong giai đoạn 2011-2019 tương ứng đạt 13,08% và 19,9%.


Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ