• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Nhiệm vụ của ngành Văn hóa là phải làm cho các di sản sống động, thu hút

Thời sự 27/07/2018 17:37

(Tổ Quốc)-Sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng, phân chia di sản để phục vụ phát triển

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị lần này bởi đây là vấn đề không chỉ cấp bách với hiện nay mà còn là vấn đề lâu dài với đất nước và sự khác biệt giữa các dân tộc chính là yếu tố văn hóa.

Thủ tướng chia sẻ, di sản là báu vật của thiên nhiên ban tặng hoặc kết tinh lao động, sáng tao của cha ông ta từ đời này qua đời khác dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tư tưởng: cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được nhưng di sản thì không thể tạo ra được. Và như báo cáo đã nêu, Việt Nam 1 quốc gia giàu truyền thống văn hóa, nhiều di sản thiên nhiên độc đáo, tạo nên một  kho tàng đồ sộ, là nền tảng, niềm tự hào và tăng thêm giá trị của kho tàng di sản thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

“Năm ngoái tôi có tiếp 1 tỷ phú là Hoàng thân Ả Rập, ngài ấy chia sẻ, chúng tôi có thể tạo ra một quả núi, người máy nhưng chúng tôi ghen tị với Việt Nam vì có quá nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên, di sản phi vật thể và vật thể tới vậy…”- Thủ tướng cho hay và khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về điều này. Vì vậy tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng, phân chia di sản để phục vụ phát triển và để mất di sản chính là bắn súng vào quá khứ, làm mất đi bản sắc của dân tộc.

Thủ tướng mong các cấp chính quyền chú ý điều này trong công tác quản lý, điều hành.

Hiện tại, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực di sản của Việt Nam đã hoàn thiện. Việt Nam cũng đã chọn ngày 23/11 là Ngày di sản văn hóa Việt Nam.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn các cấp ủy, nhân dân các địa phương đã chăm lo và phát huy giá trị di sản trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, di sản không còn là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. “Di sản thuộc về quá khứ, dễ bị ngủ quên vì vậy luôn cần sáng tạo, năng động trong một nguyên tắc bảo tồn để di sản có giá trị cho cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng tự tôn dân tộc cho các thế hệ học sinh; cập nhật chính sách, phân cấp quản lý, coi trọng chuyên gia…; tạo thương hiệu du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Di sản không chết mà là tồn tại bền vững, luôn luôn hồi sinh để phát huy giá trị di sản”- Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng nêu ra một số tồn tại trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản như: nhận thức của xã hội về bảo tồn di sản còn thấp; chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ quyền lợi cho người dân ở nơi có di sản; quy hoạch di tích chưa kịp thời, bảo vệ di sản chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại, việc tu bổ theo kiểu hào nhoáng làm mất đi tính chân thực của di sản…

Bảo vệ, phát huy giá trị di sản: Con người vẫn là yếu tố quyết định

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là, công tác bảo tồn, phát huy di sản không phải chỉ là của nhà nước mà còn là nhiệm vụ của cộng đồng. Nhà nước chỉ tạo khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách và nhân dân đóng vai trò then chốt trong bảo vệ và phát huy di sản. Cộng đồng hóa bảo vệ di sản là xu hướng tất yếu, bảo vệ di sản từ gia đình, bản làng và toàn xã hội, giáo dục các em học sinh bảo vệ di sản từ lúc ấu thơ để chủ động đóng góp cho việc phát huy giá trị di sản. Nhà nước không bao cấp, không làm thay và tư tưởng này cần quán triệt tới người dân. Cộng đồng bảo vệ di sản mới là điều đáng quý và lâu dài.

Thứ 2, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan phải đẩy mạnh hội nhập, giao lưu quốc tế để bảo tồn di sản, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ bản sắc di sản văn hóa Việt Nam còn là trách nhiệm quốc tế của Việt Nam.

Thứ 3, việc xử lý di sản cần đặt trong các mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa trong và ngoài nước, giữa bảo tồn và phát triển, gắn kết cộng đồng…

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số nhiệm vụ cụ thể cho công tác này.

Trước hết, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quản lý, thủ tục hành chính về di sản. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ, bảo đảm cho các di sản văn hóa, thiên nhiên, di sản vật thể và phi vật thể.

Toàn cảnh hội nghị.

“Chúng ta phải thực hiện các cam kết của thế giới về bảo tồn di sản. Dù thực hiện tu bổ bằng nguồn vốn ngân sách hay xã hội hóa cũng phải giữ gìn bảo tồn cho di sản”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu phân cấp quản lý di sản cho từng cấp để phát huy tốt nhất tính chủ động, sáng tạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhân dân với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó chú ý tới các ý kiến chuyên gia, của tổ chức UNESCO tại Việt Nam.

Các cơ quan liên quan cũng huy động có hiệu quả nguồn lực của xã hội để bảo vệ phát huy giá trị di sản. Di sản không phải là di tích mà còn là điểm đến nên các nguồn lực cho bảo vệ di sản cần được đặt ra. Thủ tướng yêu cầu, sau này sẽ có hội nghị với chuyên đề riêng về hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải xử lý hài hòa, phát huy giá trị di sản, danh lam thắng cảnh với gìn giữ môi trường, không phát triển nóng… Những nơi có di tích, di sản phải trở thành điểm đến mới, thành nơi nghỉ mới của du khách Việt Nam và quốc tế.

Đáng lưu ý, trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng nhấn mạnh, con người vẫn là yếu tố quyết định, cán bộ quản lý di sản từ Trung ương tới địa phương cần nâng cao trình độ, phát huy vai trò các chuyên gia trong tu bổ di tích, vai trò các nghệ nhân trong phát huy giá trị di sản… Đồng thời ứng dụng công nghệ trong bảo tồn quản lý di sản, số hóa di sản để lưu trữ và khai thác.

Sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo trình Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

Cuối cùng, Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới các tổ chức quốc tế đã và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Việt Nam./.

Song Đào, Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ