• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới

Kinh tế 05/12/2018 15:39

(Tổ Quốc) - Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới.

Thủ tướng: Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Hà Giang

Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng

Kết luận Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF) diễn ra hôm nay (5/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Diễn đàn lại bắt đầu sang một trang mới với tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF).

Điều này cho thấy sau hơn 25 năm, đây là dấu mốc chuyển mình của Việt Nam: Từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Dù vậy, trong mỗi bước đi trên hành trình này, Việt Nam luôn có được sự ủng hộ và đồng hành đáng tin cậy của những đối tác, nhà tài trợ.

Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thủ tướng, nhờ luôn có niềm tin vào con đường cải cách đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt dược nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ càng là thử thách đầy khó khăn không kém.

Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.

"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây", Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính Phủ, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức.Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều dược hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Con người và Công nghệ ví như chiếc chìa khóa và ổ khóa

Thủ tướng: Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới - Ảnh 3.

Thủ tướng trao đổi với các đại diện quốc tế. Ảnh: Hà Giang

Chỉ ra những đột phá mới, là động lực tăng trưởng quan trọng thập niên tới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển.

Về thể chế, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách. Tập trung chuvển đổi số Chính phủ trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hóa và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính.

Về chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Hiện Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0. "Chúng tôi luôn hiểu rằng, con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Con người và Công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn khả thi nếu chúng ta thiếu vắng con người 4.0".

Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn tới, Việt Nam ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.

Thực hiện 3 đột phá nêu trên, để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.

Một là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0. Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động,cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá. Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như bây giờ.

"Tôi khẳng định đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Hai là thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhăm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và Khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên - cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp thế hệ mới.

"Trong Diễn đàn này, tôi muốn nhấn mạnh đến con đường trong điều kiện hiện tại để Việt Nam có được khu vực tư nhân 'khỏe' và 'mạnh' không phải ở số lượng doanh nghiệp nhiều mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh", Thủ tướng nói và cho rằng, cải cách thể chế pháp luật là đương nhiên, nhưng nếu chỉ viện lý do thể chế pháp luật thì chưa thuyết phục. Điều này, Chính phủ sẽ phải lắng nghe để có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ