• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, tham khảo vấn đề báo chí nêu về chính sách thuế

Thời sự 23/07/2018 22:53

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo phản ánh của các báo về chuyển giá của doanh nghiệp FDI, chính sách thuế, để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Hình minh họa: Nguồn CafeF

Cụ thể, Báo Tuổi trẻ ngày 11/7/2018 phản ánh “Từ năm 2012 - 2016, số doanh nghiệp FDI báo lỗ chiếm 44 - 51% tổng số doanh nghiệp, là dấu hiệu của chuyển giá. Nhưng thực tế có cung cấp hay không thì ngành thuế cũng khó biết do chưa có chức năng điều tra. Nhiều doanh nghiệp chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường. Do đó cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.”

Báo Doanh nhân Việt Nam ngày 11/7/2018 phản ánh “Chính sách ưu đãi thuế nghiêng theo ưu đãi địa bàn hơn là lĩnh vực. Việc áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực còn khó khăn về thủ tục. Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn nhận định, các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý; các mức chính sách ưu đãi thuế còn cứng nhắc, nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức thu hút đầu tư.”

Báo VietnamPlus ngày 11/7/2018 phản ánh “Việt Nam có danh mục 75 hiệp định thuế quan đã ký với mức độ, phạm vi rất rộng và toàn diện. Song trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp FDI phàn nàn việc giảm thuế theo các hiệp định ký kết chưa áp dụng tự động. Việc cơ quan thuế không hề ban hành bất kỳ văn bản nào xác nhận việc miễn, giảm thuế theo các hiệp định đã ký kết khi họ nhận “hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế” từ doanh nghiệp.”

Về các vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại Hội thảo “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”,  PGS. TS Lê Xuân Trường,  cũng đã đưa ra nhận định rằng, trong thời gian vừa qua, chúng ta không chỉ đối mặt với chuyển giá quốc tế mà còn chuyển giá nội địa, không chỉ phải đối mặt với chuyển giá “lỗ” (doanh nghiệp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, báo lỗ khiến nhà nước thất thu) nhưng mà còn chuyển giá “lãi” tức là 2 công ty con cùng ở Việt Nam, 1 là ở địa bàn ưu đãi và 1 ở địa bàn không ưu đãi.

Tuy nhiên, “do ưu đãi quá rộng, lắt nhắt và nhiều đến nỗi không ai còn có thể nhớ nổi, tra cứu rất khó vì nằm ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến nhiều rủi ro và tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp chuyển giá”, PGS. TS Lê Xuân Trường nhận định.

Đáng nói, không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà cả doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước./.

 

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ