• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên-Huế chưa đạt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương

Thời sự 07/05/2019 17:38

Ngày 6/5, Ban Chỉ đạo 182 Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.”

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, từ năm 2009, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên-Huế theo hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường." Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giai đoạn 2009-2018) của Tỉnh đạt  7,16%/năm với quy mô nền kinh tế tăng từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo giá so sánh 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD (tăng 2,24 lần so với năm 2009) và dự kiến năm 2020 là 2000 USD/người.

Thừa Thiên-Huế chưa đạt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Ban kinh tế Trung ương đề cập cần thiết có Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cơ cấu kinh tế của địa phương đã chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng từ 45,9% (năm 2009) lên 54,6% (năm 2018), tương ứng với lĩnh vực công nghiệp giảm từ 37,6% xuống 34,1% và nông nghiệp giảm 16,5% xuống 11,3%.

Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tuy nhiên, mục tiêu cơ bản của Kết luận 48 là đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được. Thu ngân sách nhà nước của địa phương còn thấp, hiện xếp thứ 30 trong cả nước. Đặc biệt, ngành du lịch-dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khi thu nhập bình quân đầu người hiện còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Đề án tổng kết chỉ ra các nguyên nhân như Đảng bộ chưa quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đề án phát triển kinh tế xã hội "Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai", đề án xây dựng thành phố Festival, xây dựng cơ chế thành phố di sản.

Việc thu hút vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi mà sự hợp tác liên kết với các địa phương trong vùng thiếu hiệu quả. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương chưa chặt chẽ. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền có mặt còn hạn chế...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao nỗ lực thực hiện để đạt được những kết quả quan trọng của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong 10 năm qua và đề cập tới sự cần thiết của một Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045."

Theo ông Bình, nếu được ban hành, Nghị quyết mới phải có những điểm khác biệt so với các Kết luận đã được ban hành. Các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp được đưa ra phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước, cơ hội và thách thức, phải mang tính khát vọng và đột phá…, góp phần đưa sự phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đáp ứng được khát vọng về một thành phố Di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới./.

Theo Vietnam+

NỔI BẬT TRANG CHỦ