• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao và chuyên nghiệp

Du lịch 04/02/2019 13:50

(Tổ Quốc) - Để xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, việc phát triển ngành du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp sẽ là mục tiêu mà tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được trong năm 2019 và các năm về sau.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao và chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Ông Lê Hữu Minh - Quyền GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Năm 2018 vừa đi qua với những thành công đáng ghi nhận và cả những thách thức đầy trăn trở của du lịch Thừa Thiên Huế. Bên cạnh những thắng lợi chung của ngành Du lịch cả nước, du lịch Huế đã có những chuyển biến tích cực tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức thu hút đối với du khách về một điểm đến du lịch di sản văn hóa - xanh – thân thiện.

Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc, ông Lê Hữu Minh - Quyền GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã có những chia sẻ về những cơ hội cũng như khó khăn, thách thức và định hướng phát triển của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian sắp đến.

- Thưa ông, năm 2018 được xem là năm tăng trưởng ấn tượng của du lịch Thừa Thiên Huế. Tiếp nối những thành công đáng ghi nhận ấy, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã đặt ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể nào trong năm 2019?

+ Năm 2019 là năm thứ ba Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03-NQ/TƯ ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết ra đời đã trở thành kim chỉ nam và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của du lịch Thừa Thiên Huế trong các năm về sau.

Trên cơ sở Nghị quyết, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế là Kinh đô của lễ hội và ẩm thực; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động của dự án hệ sinh thái du lịch thông minh thuộc Đề án thành phố thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển du lịch.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao và chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Dự kiến sẽ có 4,5 - 4,7 triệu lượt khách đến Thừa Thiên - Huế trong năm 2019. Ảnh: Lê Chung

Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, tập trung khu vực Đại nội nhằm phục hồi và tái hiện không gian văn hoá Cung đình và vùng phụ cận theo xu hướng xã hội hóa các nguồn lực. Triển khai thí điểm chủ trương tổ chức Festival 4 mùa, tiến đến việc hình thành những sản phẩm du lịch định kỳ thường niên của Huế. Nghiên cứu hình thành các trung tâm du lịch (mô hình "stop and go") trên địa bàn thành phố Huế phục vụ nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tại chỗ vừa thực hiện công tác quảng bá cho du lịch địa phương.

Một số dự án lớn như các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân golf của các tập đoàn, công ty lớn như Minh Viễn, Spirit Sanctuar, PSH, Logi3, Laguna, My Way, Ecopark,...thị trường đang tích cực được triển khai; Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch như đường tiếp cận điểm du lịch Thủy Biều, đường vào Lăng Gia Long, suối Voi, suối Mơ, một số tuyến đường kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đối với Dự án hạ tầng du lịch sông Mê Công mở rộng giai đoạn II; nâng cấp các bến thuyền sông Hương và đầm phá; tiếp tục triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài giai đoạn 2018-2020...

- PV: Theo ông, việc thay đổi phương pháp, hình thức xúc tiến quảng bá du lịch cho phù hợp với thực tế có được đặt ra và thực hiện trong năm 2019 không thưa không?

+ Việc thay đổi phương pháp, hình thức xúc tiến quảng bá du lịch cho phù hợp với thực tế là vấn đề cấp thiết. Trong năm 2019, trên cơ sở các khảo sát, nghiên cứu, đánh giá các thị trường trọng điểm được thực hiện trong năm 2018, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục quảng bá, xúc tiến thị trường Đông Bắc Á và thị trường ASEAN thông qua hình thức tham gia Hội chợ Hanatour tại Hàn Quốc, hội chợ Travex 2019 và hội chợ JATA Nhật Bản. Ngoài ra, sẽ mời blogger nổi tiếng làm phim giới thiệu điểm đến Thừa Thiên Huế, Festival Nghề truyền thống Huế 2019 để quảng bá trên các trang mạng xã hội; vận hành, khai thác phòng truyền thông media: sản xuất ấn phẩm điện tử, clip quảng bá du lịch. Biên dịch thông tin điểm đến, dịch vụ du lịch bằng 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản; Xuất bản và tái bản ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến quảng bá tại các hội chợ, hội thảo trong và ngoài nước.

Phát triển ngành du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được trong năm 2019 và các năm về sau. Hy vọng rằng với những nỗ lực trên, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có bước tiến mới trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Q.GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Lê Hữu Minh

Với kế hoạch cụ thể được được đề ra, Lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2019 dự báo đạt khoảng 4,5- 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt từ 2,2 - 2,3 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt từ 4.700 - 4.900 tỷ đồng, doanh thu xã hội ước đạt 12 - 13 nghìn tỷ đồng.

- Được biết, trong năm 2019, việc xây dựng đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực Việt" là một trong những công việc được ngành du lịch Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng. Xin ông cho biết cụ thể đề án này sẽ được triển khai như thế nào? 

+ Huế từ lâu là một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm của địa phương. Huế được nhiều khách trong nước và quốc tế biết đến như một điểm đến thân thiện, mến khách, một trong những địa phương tiềm năng lớn của du lịch cả nước, tiềm ẩn những giá trị hấp dẫn, độc đáo, tính khác biệt, nổi trội của vùng đất kinh kỳ. Huế không chỉ nổi tiếng bởi quần thể di tích nhà Nguyễn, các kiến trúc cổ truyền độc đáo, các danh lam thắng cảnh, Huế còn có một di sản ẩm thực phong phú và một nền văn hóa ẩm thực tinh tế bậc nhất Việt Nam.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao và chuyên nghiệp - Ảnh 4.

Huế muốn hướng đến là "Kinh đô ẩm thực Việt". Ảnh: Lê Chung

Ngày nay, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là một nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch. Bản sắc riêng của ẩm thực được khai thác triệt để trong quá trình tạo nên sự khác biệt và làm mới hình ảnh của một điểm đến, giúp tạo nên cảm giác khác biệt của du lịch Thừa Thiên Huế. Đây không chỉ là thế mạnh, mà còn là một tiềm năng phong phú vô tận cần được khai thác đúng mức.

Trước bối cảnh và xu hướng đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây dựng Đề án "Huế – Kinh đô ẩm thực" để trở thành một quyết sách có hiệu lực với quan điểm phát triển đột phá, đáp ứng được những yêu cầu mới về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại và tương xứng với tiềm năng, khẳng định vị thế và sự đa dạng của ẩm thực Huế trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong khu vực.

Hiện nay, Đề án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 về việc phê duyệt Đề cương Đề án đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2030. Sở Du lịch được giao phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng nội dung cụ thể của Đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt vào Quý II năm 2019 trước khi triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể.

- Vậy theo ông, sau khi triển khai đề án này, du lịch Huế sẽ có tác động cụ thể ra sao?

+ Sau khi triển khai Đề án sẽ có nhiều tác động tích cực trong phát triển kinh tế xã hội Thừa Thiên Huế nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Đề án sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, đồng thời góp phần dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô ẩm thực". Cụ thể sẽ xây dựng được danh mục ẩm thực Huế chính thức, hướng tới lập ngân hàng dữ liệu về Ẩm thực Huế. Sớm đăng ký công nhận ẩm thực Huế là di sản văn hóa để UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án cũng là cơ hội để vận động, thu hút được cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp cùng tham gia giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Huế, thúc đẩy phát triển du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội, tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc của riêng Huế, hình thành một số khu ẩm thực tại một số tuyến phố đi bộ và tại một số điểm tham quan du lịch, thực hiện thành công Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực sẽ góp phần tạo ra các thiết chế ẩm thực Huế hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức và trải nghiệm, thưởng thức của cộng đồng và du khách như Bảo tàng Ẩm thực, không gian ẩm thực, hệ thống nhà hàng, các hình thức quán ăn chuẩn mực phục vụ khách du lịch.

Q. GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Lê Hữu Minh

Việc xây dựng Đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực" nhằm quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, Xây dựng và quảng bá thương hiệu ẩm thực Huế với các giá trị văn hóa và sản phẩm du lịch ẩm thực khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế và sự đa dạng của văn hóa ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.

- Theo báo cáo năm 2018, Thừa Thiên Huế đón gần 2 triệu lượt khách quốc tế, đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 989.000 lượt khách lưu trú là quá "khiêm tốn" và đáng tiếc. Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh nhà có sự đa dạng hóa, phát triển sản phẩm như thế nào để thu hút và giữ chân du khách khi đến với Huế?

+ Phát triển du lịch và dịch vụ được xác định là 1 trong 4 chương trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2019, mục tiêu về thu hút khách du lịch năm 2019 là phấn đấu đạt từ 4,5- 4,7 triệu lượt khách, khách lưu trú đạt từ 2,2 - 2,3 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt khoảng 1,1 triệu). Để thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế đến Huế, các nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến việc đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch được đặt ra là:

Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp ở vùng ven biển, đầm phá ở Chân Mây - Lăng Cô và Bạch Mã để bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao và chuyên nghiệp - Ảnh 6.

Nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều là điểm đến tiềm năng vừa được công nhận là điểm du lịch đầu năm 2019. Ảnh: Lê Chung

Tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa: Du lịch văn hóa di sản tìm hiểu và khám phá các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng và các công trình kiến trúc độc đáo; du lịch sinh thái; đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm; du lịch MICE…

Phát triển các sản phẩm du lịch mới: Đầu tư phát triển các công viên chuyên đề, tổ chức các sự kiện lớn, liên hoan văn hóa nghệ thuật, trình diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh, trình diễn ánh sáng.Các sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch mạo hiểm; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; du lịch golf; du lịch thể thao, giải trí, hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, đồng thời với hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng: Trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa, tìm hiểu ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa.

- Trong những năm gần đây, thị phần khách du lịch đến Thừa Thiên Huế có sự chuyển dịch lớn, trong đó phải kể đến thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn quốc. Hiện tại ngành du lịch địa phương có kế hoạch gì để tiếp tục khai thác tốt "con gà đẻ trứng vàng" này?

+ Mỗi thị trường, khách du lịch sẽ có xu hướng khác nhau. Tuy cùng khu vực Đông Bắc Á nhưng người Nhật Bản và người Hàn Quốc có những xu hướng du lịch khác nhau. Vì vậy, để có một chiến lược khai thác thị trường khách Đông Bắc Á, cần thiết phải nghiên cứu đến nhu cầu, thị hiếu và tâm lý tiêu dùng của thị trường này để hình thành và phát triển các sản phẩm thích hợp với phân đoạn thị trường của các nước trong khu vực này

Người Nhật có xu hướng du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, sự kiện), du lịch thực tế (trải nghiệm nét đẹp trong sinh hoạt của người dân địa phương), du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp (Spa), mua sắm và ẩm thực.

Còn người Hàn Quốc có xu hướng đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, tham gia lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của địa phương.

Do vậy, như đã trả lời ở câu hỏi trên, việc đa dạng hóa, phát triển sản phẩm nhằm thu hút khách quốc tế cũng chính là nhằm vào thị trường Đông Bắc Á.

Đồng thời với việc đa dạng hóa, phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến quảng bá cũng cần có kế hoạch phù hợp nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho khách. Không chỉ cung cấp bằng sách, tranh ảnh, cần đa dạng hình thức xúc tiến, quảng bá, bên cạnh nâng chất lượng các hình thức quảng bá truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn Fam Trip, Press trip. Đẩy mạnh những thành quả trong công nghệ thông minh để phục vụ cho hoạt động du lịch như hợp tác với các đơn vị truyền thông, các trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế (trip advisor, Traveloka, booking.com) …Triển khai hợp phần hệ sinh thái thông minh trong đề án du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển du lịch có hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Chung (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ