• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư chuyện "đỉa phải vôi": Đỉa có trong thức ăn, sống lại hại người - thật hay giả?

Sức khỏe 17/04/2022 19:34

(Tổ Quốc) - Đem đỉa đi sao tẩm, phơi khô, tán mịn, trộn vào đồ ăn thức uống, chết đi sống lại, ngọ nguậy trong người là chuyện hoang đường.

Độc giả hỏi:"Gần đây rộ lên thông tin có đỉa trong thức ăn và cả trong sữa nữa. Về mặt khoa học chúng tôi muốn biết có hợp lý không, bởi vì chúng không thể sinh sản dễ dàng sau khi bị nghiền và phơi khô như vậy. Có phải chặt đỉa ra thành nhiều khúc lại tạo ra những con đỉa mới?"

Đỉa vào được cơ thể người là dạng đỉa con, do uống nước hoặc tắm sông ở những vùng có đỉa.

Đỉa thường cư trú ở vùng có xoang, họng, hầu, tai, mũi, cuống phổi,… hoặc xâm nhập vào cơ quan sinh dục, rồi từ đó len lỏi vào bàng quang, niệu đạo,..

Thực hư chuyện đỉa phải vôi: Đỉa có trong thức ăn, sống lại hại người - thật hay giả? - Ảnh 1.

Cô Tây ba lô, Daniela Liverani, sau chuyến đi du lịch ở Đông Nam Á , trở về Anh Quốc, bị chảy máu mũi cả tháng. Bác sĩ đã gắp ra con đỉa dài 3 inch trong hốc mũi của cô. (metro.co.uk)

Trên thế giới có gần 700 loài đỉa. Có loài sống dưới nước, loài sống trên cạn, loài sống vùng nước mặn, loài sống nước ngọt, loài ăn côn trùng, loài hút máu,…

Ở Việt Nam phổ biến là đỉa trâu (hirudinaria manillensis), một loài đỉa hút máu động vật (kể cả người).

Chết đi sống lại đâu phải chuyện dễ

Đỉa thuộc ngành giun đốt.

Cơ thể có 32 khoang: 4 khoang đầu chứa não trước và vòi hút 21 khoang giữa chứa các hạch thần kinh phân nhánh và cơ quan sinh dục 7 khoảng cuối chứa não sau và vòi hút. Như vậy, đỉa có thể được xem như có 32 bộ não, và đầu hay đuôi đều bám được.

Tuy nhiên, chuyện đỉa đứt thành nhiều khúc, rồi lại tạo thành những con đỉa mới không thấy tài liệu khoa học nước ngoài ghi nhận (trừ các bài báo khoa học…huyền bí).

Chuyện "ăn nằm" của đỉa mới là chuyện hấp dẫn. Đỉa là loài lưỡng tính (hermaphrodite), nghĩa là cơ thể có cả hai bộ phận sinh dục đực và cái. Tuy nhiên, chúng không thể "tự sướng", mà phải sướng… với nhau. Đầu con này xoay vào đuôi con kia, để bơm tinh trùng sang buồng trứng của đối tác.

Đỉa đẻ trứng, được chứa trong một cái bọc (cocoon) và nở thành đỉa con, không qua giai đoạn ấu trùng (larva).

Không phải bất cứ sinh vật nào thuộc ngành giun đốt đều sinh sản vô tính, cho dạng bào tử, chặt đứt khoang này, mọc lại khoang khác, hay đứt làm đôi, làm ba thành những con riêng biệt, hoặc biến thái (morphogeneesis) qua dạng ấu trùng.

Đỉa "làm tình", đẻ trứng nở con đàng hoàng nên không thể có dạng bào tử. Cũng không có dạng ấu trùng để lơn tơn chui vào cơ thể người, như nhiều bài báo viết.

Đỉa vào được cơ thể người là dạng đỉa con, do uống nước hoặc tắm sông ở những vùng có đỉa. Đỉa thường cư trú ở vùng có xoang, họng, hầu, tai, mũi, cuống phổi,… hoặc xâm nhập vào cơ quan sinh dục, rồi từ đó len lỏi vào bàng quang, niệu đạo... Đỉa sống ký sinh trong cơ thể người, và cứ thế tăng trưởng. Còn chuyện đỉa sinh nở tràn lan trong cơ thể người, chưa thấy y học ghi nhận.

Nếu đỉa ngọ nguậy trong cơ thể như thế, thì chỉ còn nước đi bệnh viện.

Đỉa phơi khô tán mịn

Đem đỉa đi sao tẩm, phơi khô, tán mịn, trộn vào đồ ăn thức uống, chết đi sống lại, ngọ nguậy trong người là chuyện hoang đường. Giả dụ đỉa có sống lại từ đống tro tàn, thì vào tới bao tử cũng bị dịch vị (pH rất thấp), nhồi cho vài phát, lại gặp các enzyme tiêu hoá, đỉa cũng toi đời.

Trong những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, quá nóng hoặc quá lạnh, đỉa có thể vùi thân xuống bùn, án binh bất động, giống như ngủ đông (dormant), và hoạt động lại khi điều kiện thuận lợi. Tuổi thọ của đỉa khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Như đỉa phải vôi

Miệng đỉa có 3 ngàm (dao 3 khía), mỗi ngàm có chừng 100 răng nhọn, chỉ cần bụp một nhát là ngọt sớt. Sau đó đỉa tiết ra chất chống đông máu (hirudin), và cứ thế chén "tiết canh" thoải mái, cho đến khi no nê thì buông tha nạn nhân. Lượng máu đỉa hút vào có thể gấp 5 lần trọng lượng của nó, và sau bữa "tiệc máu", đỉa có thể nhịn ăn 6 tháng. Đến thời điểm này thì vòng đời của đỉa cũng coi như gần tàn.

Bị đỉa hút máu, nghe thấy ớn, nhưng thật ra không đến nỗi. Trong hệ tiêu hoá của đỉa chứa ký sinh trùng, nhưng những ký sinh này lại không thể sống được trong cơ thể người. Nhưng nếu trước đó, đỉa đã hút máu từ người hay vật khác bị nhiễm vi khuẩn, virus,… thì có thể truyền cho người đến sau.

Đỉa không chịu được acid (chanh, giấm) và kiềm mạnh, đỉa gặp vôi quằn quại là vì thế (đỉa phải vôi). Tuy nhiên, giới y học khuyên không nên dùng những chất này để tách đỉa ra khỏi vết cắn, vì đỉa có thể ói trở lại, gây nhiễm vết thương. Chỉ cần dùng móng tay lướt mạnh vào đỉa, đầu trước đuôi sau là được.

Mặc dù có nghe đồn, mấy bợm nhậu cho đỉa hút máu dê, rồi luộc đỉa, cắt khoanh như cắt dồi, làm mồi đưa cay để tăng cường bản lĩnh đàn ông. Nếu tin đồn có thật, thì mấy bà khoái đỉa chứ đâu sợ đỉa.

Nhưng tin đồn vẫn chỉ là tin đồn, một khi chưa tận mắt thấy mấy tay nhậu dám cho đỉa lên dĩa, chiên xù, nhúng giấm hay chấm mù tạt, thì an toàn thực phẩm với "đặc sản" đỉa vẫn coi như tuyệt đối.

(trích, "Ăn để sướng hay ăn để sợ?", Tập I)

Vũ Thế Thành

NỔI BẬT TRANG CHỦ