• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư Nga sẵn sàng cho cuộc chiến mới tại Libya và Yemen

Thế giới 10/08/2018 07:07

(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo Libya và Yemen đều đã lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của Nga nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị tại đây.

Newsweek đưa tin, lãnh đạo của các phong trào vũ trang có ảnh hưởng tại Libya và Yemen đã yêu cầu Nga can thiệp, để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng ở hai quốc gia này.

Moscow giữ liên hệ với cả hai chính phủ tại Libya

Hôm thứ Tư (8/8), phát ngôn viên của Quân đội Quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo cho biết, lực lượng này cần đến sự hỗ trợ của Nga để thành lập một chính phủ thống nhất. Dưới thời ông Muammar al-Gaddafi, Libya và Nga có mối quan hệ quân sự khá tốt. Tuy nhiên, điều này không còn như xưa kể từ sau cuộc nổi dậy năm 2011 được phương Tây “chống lưng” tại Libya, và theo sau đó là một lệnh cấm quốc tế ngăn chặn việc bán vũ khí cho các lực lượng vũ trang của nước này.

Trong một thông cáo gửi tới hãng tin Nga Sputnik, phát ngôn viên của Quân đội Quốc gia Libya, Chuẩn tướng Ahmed al-Mesmari chỉ ra, “mối quan hệ quân sự Nga – Libya đã có từ lâu” và “Quân đội Quốc gia Libya hiện đang được trang bị hoàn toàn bởi các vũ khí của Nga, và học thuyết quân sự của lực lượng này mang tính phương Đông, vì vậy Libya đang ngày càng cần Nga hơn khi cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn”.

Theo Newsweek, phong trào Mùa xuân Arab năm 2011 chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo tại nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi; đồng thời nó cũng hình thành làn sóng can thiệp quân sự nước ngoài hiện vẫn còn đang ảnh hưởng tại một vài quốc gia. Một giai đoạn mới cho nước Nga cũng đã được mở ra khi Moscow theo đuổi một cách tiếp cận tham vọng hơn đối với Trung Đông, nhằm thách thức lại vị thế của Mỹ và phương Tây tại đây.

Trong trường hợp Libya, cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi đã dẫn đến những chia rẽ chính trị trong nước, cũng như sự nổi dậy của các nhóm hồi giáo cực đoan, trong đó có IS. Quân đội Quốc gia Libya của ông Haftar đại diện cho Hội nghị Quốc dân Libya, một chính phủ đặt tại Tobruk, phía đông đất nước. Từng là một vị tướng dưới thời Gaddafi, ông Haftar cũng giành được sự ủng hộ nhờ những chiến thắng trước các nhóm cực đoan.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc lại tán thành Chính phủ Hiệp ước Quốc gia ở Tripoli, phía tây Libya. Cộng đồng quốc tế từng nỗ lực hàn gắn hai chính phủ; trong đó, Nga tỏ rõ quyết tâm sẽ đóng một vai trò chủ chốt đối với tiến trình này. Nhìn vào việc Nga đã thành công hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad giữ vững quyền lực và đánh bại các lực lượng nổi dậy và khủng bố, ông Mesmari cho rằng, sự giúp đỡ của Moscow sẽ rất hữu dụng cho Quân đội Quốc gia Libya.

“Chúng tôi biết rằng Nga là một trong những quốc gia rất chủ động trong cuộc chiến chống khủng bố, mà những gì đang diễn ra tại Syria là một ví dụ… Chúng tôi [Libya và Nga] có mối quan hệ tốt, hầu hết các quan chức của quân đội Libya đều từng tham gia huấn luyện tại Nga…”, ông Mesmari nói, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Libya của Liên Hợp Quốc.

Người phát ngôn viên cũng bổ sung: “Vấn đề Libya cũng cần phải có sự tham dự từ Nga và bản thân Tổng thống Putin; bao gồm cả việc loại bỏ các yếu tố bên ngoài, VD như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar… Ngoại giao Nga nên đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này”.

Trong khi thắng lợi quân sự tại Syria đã đem lại cho Moscow sức mạnh tại Địa Trung Hải – ngay sườn nam của NATO, Moscow có thể vẫn muốn mở rộng hiện diện trong khu vực. Nga hiện đang duy trì liên hệ với cả hai chính phủ Tobruk và Tripoli. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có vẻ như Moscow đang tìm cách “lôi kéo” phe Haftar nhiều hơn, nhằm đối trọng lại với sự ủng hộ của phương Tây dành cho chính quyền ở Tripoli.

Phát ngôn viên của Quân đội Quốc gia Libya, Chuẩn tướng Ahmed al-Mesmari trong một buổi họp báo hồi tháng 6/2018 (ảnh: Getty images)

Chưa can thiệp Yemen nhưng đã “cảnh cáo” Arab Saudi?

Cách đó hàng nghìn km, lực lượng đối lập tại Yemen cũng đã lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp từ Nga. Năm 2012, Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã phải rời bỏ vị trí và bị thay thế bởi Tổng thống Rabbo Mansour Hadi. Chính quyền của ông Hadi sau đó lại vấp phải sự chống đối từ phong trào Houthi và cả nhóm Al-Qaeda. Năm 2015, lực lượng Houthi đã giành quyền kiểm soát thủ đô của Yemen, dẫn đến việc Arab Saudi tiến hành các cuộc không kích với sự giúp đỡ của liên minh do Mỹ ủng hộ trong khu vực - nhằm tái lập lại quyền lực cho ông Hadi.

Tháng trước, nhà lãnh đạo của Hội đồng chính trị Tối cao thân Houthi là Mahdi al-Mashat đã viết một lá thư cho Tổng thống Putin. Trong đó, ông Mashat bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ giữa hai chính phủ và hy vọng, Moscow có thể đóng vai trò lãnh đạo trong việc chống lại các cuộc tấn công của liên minh do Saudi dẫn đầu; đồng thời giúp kết thúc tình trạng mà Liên Hợp Quốc từng gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.

Theo hãng tin TASS, trong khi Moscow vẫn chưa can thiệp vào tình hình Yemen, Bộ Ngoại giao Nga từng cảnh báo hồi tháng Sáu rằng, “cuộc tấn công thành phố Hodeida [tiến hành bởi liên minh do Saudi dẫn đầu] sẽ đem lại những hậu quả tồi tệ cho toàn bộ Yemen”. Nga cũng đã ngăn chặn những sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt một đồng minh khác của Syria là Iran, vì đã cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthis. Đây là một cáo buộc mà cả Houthis, Iran và Nga đều liên tục phủ nhận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ