• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư những tin đồn về chuyện Trung Quốc đã "thò cả 2 tay", mua hết nước của Australia

Thế giới 13/07/2020 11:30

(Tổ Quốc) - Trung Quốc thực sự đã mua hết nước của Australia như lời đồn, hay đây chỉ là một thuyết âm mưu của dư luận?

Khi căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh leo thang, tâm lý hoài nghi về Trung Quốc và những lo ngại về tình trạng hạn hán, khan hiếm nước đã làm dấy lên những lời đồn đoán, thuyết âm mưu rằng Trung Quốc đang mua hết nguồn nước của Australia với "ý đồ hiểm độc", báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.

Nước lần đầu tiên trở thành mặt hàng thương mại tại một số vùng của Australia trong thập niên 1980, và đến nay, thị trường nước tại Australia đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 3 tỉ AUD/năm (2 tỉ USD/năm) - lớn nhất trên toàn thế giới.

Australia tọa lạc trên lục địa có người sống khô cằn nhất trên trái đất. Tại quốc gia này, những người nông dân sở hữu đất có quyền buôn bán nguồn nước trên phần đất mình sở hữu, và bất cứ ai - kể cả những thực thể nước ngoài - cũng có thể đầu tư vào thị trường nước của Australia. Tuy nhiên, các khoản đầu này thường không được công khai, và các báo cáo cho thấy hồ sơ của các nhà đầu tư này có thể không thường xuyên được xem xét kỹ lưỡng, theo SCMP.

Một bản báo cáo mới được cập nhật hồi tháng trước về đăng ký quyền sở hữu nguồn nước của các thực thể nước ngoài cho thấy Trung Quốc hiện là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất tại thị trường nước ở Australia, theo sau là Mỹ chỉ với cách biệt khá nhỏ.

Theo bản báo cáo này, vào tháng 6 năm ngoái, các nhà đầu tư của Trung Quốc sở hữu 756 tỉ lít - tương đương 1,9% thị phần nước trên thị trường. Trong khi đó, Mỹ sở hữu 713 tỉ lít - tương đương 1,85% thị phần. Trong năm 2019, có đến 10,5 thị phần nước của Australia do nước ngoài sở hữu, tăng 0,1% so với năm 2018.

Năm ngoái, Australia đã ghi nhận mức nhiệt cao và tình trạng khô hạn kỷ lục. Giá nước bán ra có thể dao động từ 20 AUD (khoảng 14 USD)/1 triệu lít vào mùa mưa đến 1.000 AUD (hơn 695 USD)/1 triệu lít vào mùa khô hạn. Ngoài ra, các bang của Australia cũng có khác biệt về giá nước, ví dụ, trong tháng 5, hóa đơn tiền nước ở khu vực miền Tây Australia thấp nhất, trong khi Tasmania có hóa đơn cao nhất.

Thực hư những tin đồn về chuyện Trung Quốc đã thò cả 2 tay, mua hết nước của Australia - Ảnh 1.

Khung cảnh tại Brisbane, Australia. Ảnh: Shutterstock

Trung Quốc đã "thò cả 2 tay vào nguồn nước của Australia"?

Những chi tiết về giá tiền nước đắt đỏ đã trở thành chủ đề chỉ trích Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông của Australia.

Một trong những tờ báo lớn nhất của Australia đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Chinese Water Torture" (Tạm dịch: Đòn tra tấn bằng nước của Trung Quốc), theo sau là hàng loạt các báo lớn nhỏ đưa tin dồn dập tạo nên một làn sóng "thuyết âm mưu" về Trung Quốc và an ninh nguồn nước của Australia trên không gian mạng.

Một người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng thậm chí còn nói với các thính giả của mình rằng Trung Quốc đã "thò cả 2 tay vào nguồn nước của Australia", "những người nông dân của Australia đang bị 'đánh', bị 'cướp'".

Tuy nhiên, Giáo sư Quentin Grafton, Giám đốc Trung tâm Chính sách, Môi trường và Kinh tế Nước tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc kinh doanh nguồn nước đem lại những lợi ích đáng kể, và việc nước ngoài nắm quyền sở hữu thị phần nước tại Australia, đặc biệt là Trung Quốc, không hẳn là vấn đề đáng lo ngại.

"Chúng ta không thể di chuyển mùa màng, nhưng có thể di chuyển nguồn nước, do đó khi chúng ta gặp hạn hán như thường lệ, việc này sẽ giúp ngành nông nghiệp tiếp tục vận hành tốt hơn. Một số người đã liên tưởng đến những điều không hề tồn tại. Người sở hữu nguồn nước là ai không quan trọng, dù người đó đến từ Trung Quốc, Mỹ hay Australia, nguồn nước vẫn sẽ ở đó. Đây là mặt hàng không thể xuất khẩu", ông Gradton giải thích.

Theo học giả này, những tin đồn liên quan tới Trung Quốc là một cách đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề thực sự như việc khai thác nước quá mức và thiếu minh bạch về quyền sở hữu nguồn nước.

"Điều quan trọng hơn việc truy ra người sở hữu nguồn nước là chúng ta cần biết nguồn nước đó có quy mô như thế nào, vị trí chính xác ở đâu và đang được sử dụng cho mục đích gì. Về quy mô của thị trường nước, bản chất tranh đua của thị trường và số giao dịch trên thị trường, Australia là nước đứng đầu, nên điều chúng ta thực sự cần biết là thông tin cập nhật theo thời gian thực về nguồn nước đang thuộc sở hữu tư nhân. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát và quản lý hiệu quả nguồn nước của mình. Đây là vấn đề của Australia, không liên quan tới Trung Quốc", vị giáo sư này cho biết.

Những lo ngại về tình trạng hạn hán và khan hiếm nước càng gia tăng trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại Asutralia. Bà Natasha Kassam, một thành viên của Viện Lowy và từng là nhà ngoại giao tại Trung Quốc, nhận định rằng những thông tin tiêu cực về Trung Quốc cho thấy "mối quan hệ với Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn hơn tới kinh tế và an ninh của Australia hơn bao giờ hết".

Về vấn đề đầu tư nước ngoài tại Australia, dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trong năm ngoái cho thấy Trung Quốc xếp thứ 9 về lĩnh vực này (2%), đứng đầu danh sách này là Mỹ (25,6%), Anh (17.8%), và thậm chí quốc gia châu Âu nhỏ bé Luxembourg còn xếp ở vị trí trên Trung Quốc với 2,2%.

Xu hướng tăng trưởng trong vòng 5 năm cho thấy khoản đầu tư vào Australia của Trung Quốc tăng chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong danh sách này.

Lo ngại rằng các công ty nước ngoài sẽ tận dụng tình hình bất ổn về kinh tế do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg hồi tháng trước đã yêu cầu Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài (FIRB) của nước này kiểm tra tất cả các giao dịch mua ở nước ngoài, nhưng một cuộc điều tra gần đây của đài truyền hình quốc gia ABC đã kết luận rằng một số nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường nước vẫn phải đối mặt với một số sự giám sát hạn chế.

Cuộc điều tra cũng cho thấy ít nhất hai doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đang sở hữu thị phần nước tại Australia. Một công ty có tên là Chinatex Australia vào năm 2018 từng bị chỉ trích tại Quốc hội nước này về việc không trả số tiền 31,35 triệu AUD theo lệnh của tòa án để bồi thường cho nhà cung cấp thịt bò địa phương khi giao dịch xuất khẩu thất bại.

Lượng nước tại những hệ thống sông ngòi trọng yếu tại Australia đang có xu hướng giảm dần, và giá nước đang dần tăng cao kể từ sau khi nguồn tài nguyên này trở thành mặt hàng có giá trị thương mại. Do đó, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đã vào cuộc điều tra những ý kiến khiếu nại về việc các công ty trong và ngoài nước khiến giá nước tăng cao bằng cách thao túng thị trường.

Giáo sư Grafton của trường Đại học Quốc gia Australia cho biết, ông kỳ vọng rằng báo cáo của ACCC năm nay sẽ làm rõ hơn về vấn đề thao túng thị trường, và "hy vọng" rằng điều này sẽ xoa dịu những tin đồn về Trung Quốc. Trong khi đó, khi những dữ liệu cụ thể chưa được công bố, thì mọi người vẫn tiếp tục bịa ra bất cứ câu chuyện nào mà họ muốn, SCMP dẫn lời vị giáo sư này.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ