Giải mã tin đồn Thổ Nhĩ Kỳ tính qua mặt Nga - Mỹ, đưa hệ thống S-400 tới "chảo lửa" Libya?

DK | 10-07-2020 - 13:15 PM

(Tổ Quốc) - Cáo buộc máy bay do Phương Tây sản xuất đã tiến hành vụ tập kích căn cứ al-Watiya hôm 5/7 là tín hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ "mạnh tay" ở Libya.

Đưa S-400 tới Libya, "nước cờ hiểm" của Thổ với MỹNga?

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã bắt đầu tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 của Nga vào tháng 7/2019. Thương vụ S-400 là nguyên nhân khiến Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, đồng thời lên kế hoạch cho các lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA.

Cuối tháng 6/2020, Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune đề xuất chỉnh sửa Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) 2021 theo hướng cho phép mua hệ thống S-400 dưới danh nghĩa mua sắm tên lửa cho lục quân.

Theo hãng tin RIA của Nga, nhận định về kế hoạch mua lại nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Quyền quốc tế của Nga, ông Anatoly Kapustin cho biết Moscow có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Ankara chấp nhận đề xuất của Washington .

Sáng 10/7, các nhà phân tích Saeed Abdul Razek (người Thổ) và Khaled Mahmoud (người Ai Cập) của tờ Asharq al-Awsat căn cứ vào các kênh truyền thông được cho là "gần gũi với Ankara" cho rằng nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai hệ thống S-400 tới Libya.

Trước đó vào ngày 8/7, nhà phân tích Basel Haj Jasem của tờ Daily Sabah, Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng "Ankara muốn duy trì sự cân bằng giữa Moscow và Washington, không muốn mạo hiểm cả 2 mối quan hệ.

Một trong các kịch bản có lợi nhất và có thể được cả 3 bên chấp nhận là triển khai hệ thống S-400 ở Libya. Điều này không những phù hợp với các thỏa thuận quân sự giữa Ankara và Tripoli mà còn có thể nhận được sự chấp thuận của Moscow và Washington".

Linh kiện S-400 được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ.

S-400 Thổ Nhĩ Kỳ có bắn rơi được "tiêm kích lạ" hay không?

Tính tới năm 2020, đã có 4 tiểu đoàn S-400 với 36 xe bệ phóng tự hành cùng hơn 192 quả tên lửa được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng tin TASS của Nga, vào tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã vận hành thử nghiệm hệ thống S-400 với các mục tiêu giả định là những chiếc F-4 và F-16 tại căn cứ không quân Murted, ngoại ô thủ đô Ankara.

Theo Forbes, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải "trả giá" không hề nhỏ để sở hữu S-400, không hẳn vì các nước láng giềng đều sở hữu năng lực phòng không mà vì chúng rất thích hợp để bảo vệ Ankara trước viễn cảnh xảy ra đảo chính, điều mà Tổng thống Erdogan đã từng nếm trải.

Vào ngày 15/7/2016, những chiếc F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được điều khiển bởi những phi công đảo chính đã ném bom Ankara - một hoạt động quân sự mà 600 năm qua chưa bao giờ xảy ra ở thành phố này.

Vì gần như toàn bộ trang bị vũ khí đều do Mỹ chế tạo nên nếu một cuộc không kích tương tự xảy ra trong tương lai, Ankara vẫn sẽ không thể phòng thủ trước các tiêm kích của chính họ.

Nhưng nếu S-400 được triển khai, phòng không Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bắn rơi bất kỳ tiêm kích nào do Mỹ và Phương Tây sản xuất chuẩn bị tấn công thủ đô. Rõ ràng lựa chọn S-400 của Thổ là để "một ngày nào đó" sử dụng hệ thống do Nga chế tạo bắn rơi tiêm kích NATO.

Có lẽ các cáo buộc về "máy bay lạ" do Mỹ và Phương Tây sản xuất đã tiến hành cuộc tập kích căn cứ al-Watiya, được coi là nước cờ "chiếu tướng" vào "Khmeimim ở Libya" hôm 5/7 có thể là tín hiệu cho thấy viễn cảnh S-400 Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được triển khai ở quốc gia Bắc Phi.

Giải mã tin đồn Thổ Nhĩ Kỳ tính qua mặt Nga - Mỹ, đưa hệ thống S-400 tới chảo lửa Libya? - Ảnh 3.

Vào năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã vận hành thử nghiệm hệ thống S-400 với các mục tiêu là tiêm kích F-5 và F-16.

Phi đội vận tải cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa thứ gì tới Libya hôm 8/7?

Sau lập luận về lý do Thổ Nhĩ Kỳ nên đưa S-400 tới Libya, Asharq al-Awsat dẫn nguồn từ trang Itamilradar cho biết một phi đội máy bay vận tải A-400 thuộc không đoàn 221 và C-130 thuộc không đoàn 220, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã từ căn cứ Erkilet đã tới Libya hôm 8/7.

Ngay sau khi dỡ lô hàng quân sự tại Tripoli và Misrata, vào sáng 9/7, phi đội nói trên đã quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc không vận diễn ra trong bối cảnh truyền thông địa phương đưa tin Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sẽ đưa các hệ thống phòng không tới căn cứ al-Watiya để thay thế cho các các trang thiết bị tương tự bị tiêu diệt trong cuộc tập kích hôm 5/7.

Căn cứ vào hình ảnh được người dân địa phương ghi lại trên tuyến đường từ Tripoli tới al-Watiya tối 8/7, có thể thấy trang thiết bị được vận chuyển tới căn cứ chiến lược ở miền tây Libya có nhiều điểm tương đồng với thành phần của hệ thống MIM-23 Hawk.

Giải mã tin đồn Thổ Nhĩ Kỳ tính qua mặt Nga - Mỹ, đưa hệ thống S-400 tới chảo lửa Libya? - Ảnh 5.

Căn cứ vào hình ảnh trang thiết bị được không vận trên đường từ Tripoli tới al-Watiya, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục đưa MIM-23 Hawk tới căn cứ quân sự ở miền tây Libya.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM