• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực trạng bồi dưỡng tài năng trẻ ở địa phương

22/08/2017 06:00

(Tổ Quốc) - Trong nhiều diễn văn, khi nhắc đến vai trò của các hội, chi hội chuyên ngành ở địa phương, người ta thường hay nhắc đến một nội dung: Phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ.

Nhưng trên thực tế, việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ lại là một nội dung khá mơ hồ nếu như thử đặt ra những câu hỏi: Phát hiện những nhân tố mới ấy bằng cách nào? Tìm họ ở đâu? Bao nhiêu tuổi thì được coi là tài năng trẻ? Bồi dưỡng họ như thế nào?...

Nhìn rộng ra, trong khuôn khổ những cuộc thi hay các hội nghị triệu tập mới thấy có quy định về tuổi. Ví như cuộc thi Viết thư quốc tế UPU có quy định dành cho lứa tuổi dưới 15, độ tuổi tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc là 35 tuổi trở xuống. Nhưng ở nhiều hội VHNT hiện nay đang xảy ra tình trạng, nhiều cây bút có tên tuổi còn… ít tuổi hơn khá nhiều hội viên mới. Những “hội viên mới” này thường tham gia vào các lĩnh vực như sáng tác văn học, nhiếp ảnh sau khi đã nghỉ chế độ vì đến thời điểm này mới có thời gian nhàn rỗi hoặc nổi lên từ các câu lạc bộ. Nếu nhìn vào tuổi tác thì thực trạng này là rất đáng báo động, là khó khăn của nhiều tổ chức hội, là dấu hiệu cho thấy văn học và nền tảng văn hóa đang có vấn đề.

Ảnh minh họa (ảnh: bacninhtvn.vn)

Thực ra, vấn đề này chỉ có một điểm mấu chốt cần được tháo gỡ đó là việc các hội chưa thật sự phát huy hết vai trò của mình, hoặc giả làm chưa đến nơi đến chốn mà người viết có thể chỉ ra vài ví dụ. Thứ nhất, trong 7 năm qua, Giải “Cây bút tuổi hồng” lần thứ VII do Trung ương Đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong được tổ chức dành cho lứa tuổi từ 7 đến 16 tuổi. Đó có thể coi là độ tuổi của các cây bút trẻ được không? Nhưng ngoài sự quan tâm của tổ chức đoàn, thông qua các nhà thiếu nhi, các nhóm bút thì ở các địa phương, các Hội VHNT đã làm gì để tham gia vào việc phát hiện, bồi dưỡng ấy. Bởi các tổ chức Đoàn không phải là đơn vị có chuyên môn, nghiệp vụ về sáng tác văn chương, trong khi các Hội VHNT đảm đương nhiệm vụ ấy.  

Thứ hai, nhìn ở khía cạnh khác, mối quan hệ giữa các văn nghệ sĩ và nhà trường, nơi ươm mầm các tài năng trẻ vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù đã có không ít sự kiện văn học được tổ chức tại các nhà trường như: ngày văn hóa đọc, ngày sách, các buổi sinh hoạt ngoại khóa mời các nhà văn về trường nói chuyện… Nhưng, cũng như tình trạng chung của văn học là văn chương đang “lệch pha” với công chúng bởi nhiều lý do khác nhau. Khi đăng đàn, nhà văn tên tuổi kia cứ nhẩn nha nói, thoáng nhìn qua, các cô cậu học trò thấy xa lạ rồi sớm “bất hợp tác”. Các em đang mơ đến những tên tuổi gần gũi như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Phan Ý Yên… Thậm chí, ở lứa tuổi thanh, thiếu niên bị pha lẫn một chút với văn học thời trang, ngôn tình… thì cả đến những nhà thơ trẻ có tài năng như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Phong Việt, Hồ Huy Sơn… còn chưa thể đọc nổi. Các nhà văn cũng chưa thật sự quen với cách nói chuyện cho thiếu nhi, họ không thể nói như một bài giảng của các thày, cô giáo.

Vậy, con đường nào để giúp các Hội VHNT địa phương phát hiện và tìm kiếm được các tài năng? Với suy nghĩ của người viết, trước hết cần có một chiến lược lâu dài thay vì cách làm theo sự kiện, mang tính rời rạc.  Chúng ta cần một cái nhìn thực tế: Trong số muôn vàn người say mê văn học chỉ có một số ít người dám cầm bút khi còn trẻ tuổi. Trong số ấy lại chỉ có rất ít tài năng, trong số các tài năng ấy lại có vài người có đủ đam mê, dũng khí và sự hi sinh để theo nghề viết. Và từ một cây bút trẻ đến lúc trở thành nhà văn… còn là một cuộc sàng lọc. Nói như thế để người đọc hình dung ra sự khó khăn trong việc tìm kiếm và vun đắp tài năng. Bởi vậy, rất cần sự nỗ lực của các Hội, các hội viên tâm huyết, của các tạp chí văn nghệ khi tìm kiếm, định hướng và có các chương trình dài hơi như các cuộc thi, các chế độ đãi ngộ cộng tác viên và sự trân trọng, nâng niu người cầm bút. Chừng nào, các tổ chức hội coi việc phát triển hôi viên theo xu hướng trẻ hóa thay vì kết nạp những cây bút chỉ tham gia cho vui mới có thể thay đổi được chất lượng của hội viên, tránh tình trạng câu lạc bộ hóa các hội nghề nghiệp.

Có lẽ để làm được điều đó, người cầm bút, nhất là những người cầm bút kiêm công tác quản lý, phải hy sinh quyền lợi của bản thân để xây dựng một tổ chức hội vững mạnh trong một tương lai gần.

Lâm Việt

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ