• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thuế tài sản cần tập trung “đánh” vào nhóm người giàu

Thời sự 27/06/2018 11:02

(Tổ Quốc) - Ở các nước phương tây, người đóng thuế tài sản sẽ được pháp luật bảo vệ tài sản đó. Thông qua thuế tài sản, họ nắm được việc sở hữu tài sản của công dân. Liệu rằng ở Viêt Nam, thuế tài sản có làm minh bạch hóa sở hữu tài sản của mọi người?

 Ông Nguyễn Chí Dũng, phát biểu tại hội thảo. Ảnh Vi Phong

Dự án chính sách Thuế tài sản dự kiến được Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật 2018. Đây là dự luật có tác động lớn trong xã hội và có quan hệ tới cá nhân, tổ chức, kể cả kinh doanh và không kinh doanh.

Tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức, đã có nhiều chuyên gia, nhiều đại biểu góp ý nhằm bổ sung, hoàn thiện cho dự luật này.

Bên hành lang của hội thảo, phóng viên báo Tổ Quốc đã ghi nhận  một số ý kiến đóng góp của các đại biểu về vấn đề Thuế tài sản.

Khi được hỏi về quan điểm của mình về Thuế tài sản, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Basico đã thẳng thắn cho biết, ông ủng hộ về nguyên tắc nhưng phản đối trên thực tế. Vì không biết khi triển khai có rơi vào thực trạng thuế chồng thuế như hiện nay hay không.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Thuế tài sản cần đánh vào người giàu, vì họ sở hữu nhiều tài sản (vật – đất đai, bất động sản; tiền; giấy tờ có giá trị; quyền tài sản). “Thuế tài sản cần chủ đích vào những người có khả năng nộp thuế, có thu nhập và cần miễn cho người nghèo. Ví dự nếu người ta có nhà 10 tỷ thì cần phải đánh thuế. Còn nếu người ta có 2 cái nhà 2 tỷ, một cái để ở và một cái cho thuê mà cái cho thuê đã phải nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng  và thuế thu nhập rồi thì không có cớ gì phải chịu thêm thuế nữa. Không thể cào bằng giữa người rất giàu, nhiều tài sản với người nghèo. Nếu như vậy sẽ không bất công và không đảm bảo mục tiêu cuối cùng của việc thu thuế tài sản... Thuế tài sản đồng nghĩa với việc tính tất cả giá trị tài sản của người ta, sau đó tính toán loại trừ loại nào cần thiết đánh thuế, loại nào không. Đánh thuế tài sản, trước tiên cần phải xác định tài sản gì, tài sản của ai, nguồn gốc và giá trị như thế nào…Vì chỉ có cơ sở về mặt pháp lý thì mới đánh thuế được.  Hiện nay, việc quản lý số nhà của ai, chẵn hay lẻ chúng ta cũng không nắm được thì làm sao đánh thuế. Đến bây giờ kê khai tài sản, người ta đều tay không cả, đều nhà chung cư, nhà cấp 4…còn tài sản thực sự đang nằm ở đâu đấy không ai hay”.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh không thể đánh đồng việc thu Thuế tài sản. “Thuế tài sản không phải là thuế danh thu, không phải là thuế lợi nhuận nên không thể đánh đồng, đánh đồng thì không còn ý nghĩa của thuế này nữa.Mục đích của việc đánh thuế tài sản là điều tiết, chống đầu cơ, sử dụng hiệu quả tốt hơn tài sản và phân bổ nguồn tài sản xã hội. Thuế tài sản chỉ cần tập trung vào tiêu dùng, cái không sử dụng, còn sản xuất kinh doanh đã có các loại thuế khác rồi. Kinh nghiệm của các nước thì rất ít để chúng ta có thể học tập được. Nếu có học chỉ là học việc phải đánh thuế này, phải thu thuế này. Còn thu như thế nào, thu bao nhiêu…lại là câu chuyện từ chính chúng ta”.

 Luật sư Trương Thanh Đức. Ảnh Vi Phong

Đồng quan điểm này với Luật sư Trương Thanh Đức, ông Nguyễn Chí Dũng – Cố vấn chính sách của RED, nguyên Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cũng đưa ra quan điểm “chúng ta chỉ tham khảo họ (các nước trên thế giới) chứ không nhất thiết phải học tập họ. Chúng ta tham khảo họ để áp dụng trong điều kiện Việt Nam thích hợp. Một hệ thống thuế phải thích hợp ở hai khía cạnh. Môt là, hành thu không được quá tốn kém, nếu chúng ta hành thu mà tốn hơn số tiền thu được thì thuế vô dụng. Điểm thứ  hai tức là phù hợp với khả năng quản lý. Điều này đòi hỏi cần phải có cơ sở dữ liệu chính xác, cơ quan quản lý phải biết được cá nhân này có bao nhiêu tài sản, trị giá mỗi tài sản đó là bao nhiêu... thì mới đánh được thuế tài sản”.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, Thuế tài sản là một vấn đề lớn, liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Do đó, cần phải tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình của luật ban hành văn bản quy phạm  pháp luật đó là đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật.

Trong khi đó, dưới góc độ của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Trần Như Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị TR2 International cho rằng: Ở phương tây, người đóng thuế tài sản sẽ được pháp luật bảo vệ tài sản ấy. Tuy nhiên, trong dự án luật này chúng ta thấy chưa đề cập đến vấn đề về quyền lợi của người đóng thuế. Trong dự án luật  này, chúng ta đánh thuế với cả những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với tài sản (đất) thì thật sự không công bằng. Người ta đã nhận được quyền lợi gì, được anh bảo vệ gì đâu mà đã đánh thuế tài sản…

Ông Trần Như Trung. Ảnh Vi Phong

Việc đánh thuế tài sản cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu về định giá tài sản, mà định giá tài sản cần theo hướng thị trường mới đảm bảo sự chính xác và công bằng. Ở các nước thuế tài sản là để nhằm minh bạch hóa sở hữu tài sản của mọi người. Liệu rằng ở Viêt Nam, thuế tài sản có làm minh bạch hóa sở hữu tài sản của mọi người hay không, ông Trung nhấn mạnh./.

 

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ