• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Mỹ-Trung: tốt hay xấu cánh cửa chiến tranh lạnh vẫn "mở toang"?

Thế giới 26/11/2018 20:53

(Tổ Quốc) - Giới phân tích nhận định, cho dù có đạt được một thỏa thuận hay không, viễn cảnh quan hệ Mỹ, Trung vẫn nhuốm màu u ám.

Tờ SCMP nhận định, các nhà quan sát hiện giờ đang rất phân vân trước những gì sắp diễn ra trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Buenos Aires vào cuối tháng này.

Hy vọng lạc quan nhất mà châu Á và phần lớn quốc tế đang trông chờ là ông Trump sẽ "đảo ngược" chính sách, và đạt được một thỏa thuận tốt đẹp về thương mại với người đồng cấp Trung Quốc. Nếu trường hợp này xảy ra, hai nhà lãnh đạo sẽ ngăn cản được một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mà theo dự kiến, các mức thuế của Washington áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25% kể từ ngày 1/1/2019.

Theo giới phân tích, mức tăng trên sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung cấp trên toàn châu Á, và phủ một bóng mây đen tới tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2019 và xa hơn nữa.

Về bề ngoài, có vẻ như không có nhiều hứa hẹn. Trong hội nghị APEC mới đây tại Port Moresby (Papua New Guinea), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, Mỹ "sẽ không thay đổi cho tới khi Trung Quốc thay đổi cách của mình".

Còn đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, tám tháng sau khi ông công bố những báo cáo chi tiết, "Trung Quốc về cơ bản vẫn chưa thay đổi các tập quán bất công, vô lý và phi thị trường của mình".

Thượng đỉnh Mỹ-Trung: tốt hay xấu cánh cửa chiến tranh lạnh vẫn mở toang? - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Buenos Aires vào cuối tuần này

Chiến thuật nhất quán của ông Trump?

Một số người tin rằng, ngay trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Trung, giọng điệu không khoan nhượng này hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận của ông Trump đối với các tranh chấp quốc tế - một chiến lược được miêu tả là "tỏ ra cứng rắn và mang theo một lá cờ trắng".

Trong các cuộc xung đột thương mại đầu năm nay với EU, Mexico và Canada, cũng như giây phút đối đầu với Triều Tiên, mỗi lần ông Trump đều đưa ra những lời đe dọa - thậm chí tới mức hiếu chiến, rồi đột ngột xuống thang ở phút cuối, trước khi thông báo một "thỏa thuận" mà theo các chuyên gia, thường không đem lại quá nhiều ích lợi cho Mỹ.

Tuy nhiên, cây bút Tom Holland của SCMP nhận định, đó là một chiến thuật cho phép ông Trump tuyên bố với những người ủng hộ ông rằng, ông bước vào cuộc chiến vì quyền lợi của nước Mỹ và đạt được những chiến thắng quan trọng. Trong khi về thực chất, những nguy cơ kinh tế hay quân sự mà Tổng thống Mỹ phải đối mặt, hầu như là không đáng kể.

Trong trường hợp với Trung Quốc, chính quyền ông Trump hiện không ngừng lớn tiếng công kích Bắc Kinh. Mặc dù vậy, những người theo chủ nghĩa lạc quan lại đánh giá, cả hai nước có những động cơ lớn để đạt được một thỏa thuận khi gặp nhau tại Argentina.

Từ góc độ của ông Trump, sẽ có ba lợi ích. Đầu tiên, đơn giản là cơ hội để tự khắc họa mình là một người chuyên tạo ra các thỏa thuận. Thứ hai, quan trọng hơn, nếu mức thuế dự kiến 25% của Washington thực sự có hiệu lực, thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc đồng loạt tăng giá của các sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, quần áo... nhập khẩu từ Trung Quốc. Và đây chắc chắn không phải là thứ mà các cử tri Mỹ mong muốn khi lựa chọn bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm 10% so với hồi tháng Chín. Đối với một vị Tổng thống trong 18 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, từng không ít lần coi giá chứng khoán cao là một bằng chứng quan trọng cho những cải cách kinh tế của mình, viễn cảnh về sự hồi phục thị trường do phản ứng trước một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, là điều khó cưỡng lại.

Thượng đỉnh Mỹ-Trung: tốt hay xấu cánh cửa chiến tranh lạnh vẫn mở toang? - Ảnh 2.

Ông Trump sẽ lại áp dụng chiến thuật quen thuộc trong cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc?

Bi quan song song với lạc quan

Từ góc độ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có nhiều lợi ích nếu đạt được một sự đồng thuận với nhà lãnh đạo Mỹ. Trong khi nhiều chuyên gia kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra một gói kích thích nội địa để đối phó với những tác động tiêu cực từ mức thuế của Washington, mọi việc không hề dễ dàng như lời nói.

Tăng cường cho vay để hỗ trợ tăng trường có thể dẫn tới tình trạng phân bổ vốn sai lệch trong một nền kinh tế vốn đang phải vật lộn để kiềm chế đòn bảy tài chính; đồng thời dễ dàng khiến thị trường bất động sản tại một số thành phố Trung Quốc phát triển quá nóng.

Vì vậy, cả Trung Quốc và Mỹ đều có lý do để xích lại gần nhau; và có thể phần nào tưởng tượng được hình dáng của một thỏa thuận chung. Bắc Kinh từng nói đang chuẩn bị gia tăng nhập khẩu từ Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương; và mở rộng tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Điều này có thể đủ để Tổng thống Trump tuyên bố một thắng lợi và dừng việc đánh thuế trước ngày 1/1/2019.

Trên đây là kịch bản lạc quan. Tuy nhiên, cũng tồn tại một kịch bản bi quan, trong đó sự ác cảm với Bắc Kinh trong nội tại chính quyền Mỹ sâu sắc hơn nhiều so với lập trường của ông Trump về thâm hụt thương mại Mỹ. Đối với những chính trị gia cứng rắn tại Washington, Trung Quốc đại diện cho một mối nguy cơ lâu dài tới tự do và thịnh vượng cho nước Mỹ. Trong một bài phát biểu mới đây, Phó Tổng thống Mỹ đã chỉ trích "ảnh hưởng nguy hiểm của Bắc Kinh", cáo buộc Trung Quốc "phá rối nền dân chủ Mỹ" và "đánh cắp công nghệ của Mỹ". Ông Pence khẳng định, nước Mỹ sẽ "đứng vững" và "tiếp tục chống lại Bắc Kinh" cho tới khi Trung Quốc thay đổi một cách thực chất.

Đáng chú ý, trong những thay đổi mà Washington đang tìm kiếm bao gồm cả việc từ bỏ chính sách công nghiệp quan trọng hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là "Made in China 2025". Kết quả là, mối căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tồi tệ hơn cả thời điểm hiện tại.

Nói cách khác, cho dù ông Trump và ông Tập có đạt được một thỏa thuận về thương mại tại Buenos Aires vào tuần tới hay không, mọi chuyện cũng sẽ không có nhiều khác biệt. Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế, với những ảnh hưởng tiêu cực cho quan hệ quốc tế trong cả một thế hệ sắp tới.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ