• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Kết quả bước đầu của “một quá trình gian khổ”

Thế giới 13/06/2018 08:08

(Tổ Quốc) - Hai bên xây dựng lòng tin để bắt đầu một quá trình đàm phán và hiện thực hóa các thỏa thuận.

Kết quả đầu tiên là hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã thiết lập mối quan hệ trực tiếp và cần thiết, tạo sự khởi đầu cho một quá trình hợp tác giải quyết những vấn đề gai góc liên quan phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình bền vững tại bán đảo Triều Tiên. Các điểm đạt được đều có tính nguyên tắc.  Nổi bật, Tuyên bố chung nêu rõ, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết kiên định và vững chắc để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Một số cam kết cụ thể

Trong Tuyên bố chung, Triều Tiên cam kết “hướng tới” phi hạt nhân hóa toàn diện cho thấy nó là một quá trình. Tại cuộc họp báo ở Singapore sau cuộc gặp, khi được hỏi về quá trình này được thực hiện như thế nào, Tổng thốngTrump khẳng định: “Chúng tôi sẽ rất nhanh chóng bắt đầu quá trình đó. Rất, rất nhanh chóng”. Tổng thống Trump cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton sẽ gặp các quan chức Triều Tiên vào tuần sau nhằm hướng tới thảo luận thỏa thuận hạt nhân. 

 Triều Tiên đã cam kết “hướng tới” phi hạt nhân hóa toàn diện.

Một số kết quả cụ thể trong các cuộc thảo luận trong 5 tiếng được Tổng thống Trump hé lộ trong cuộc họp báo tại Singapore. Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận với ông Kim Jong-un về cách thức kiểm chứng tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Theo ông Trump, các chuyên gia quốc tế sẽ tham gia kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. 

Phía Triều Tiên cam kết phá hủy cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa. Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận với các lực lượng vũ trang Hàn Quốc, trong đó có cuộc tập trận đã được lên kế hoạch cho tháng 8 năm nay. Một cuộc tập trận như vậy sẽ huy động 23.000 lính Mỹ và 300.000 lính Hàn Quốc, với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược B-1s và B-52s. Ông Trump nhận xét, ngừng tập trận sẽ tiết kiệm được không ít tiền.

Tổng thống Mỹ cho biết tại cuộc gặp, ông đã nêu vấn đề nhân quyền của Triều Tiên. Đây vốn là một điều có tính nguyên tắc mà mọi nhà lãnh đạo nước Mỹ phải làm.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn nêu vấn đề Triều Tiên bắt cóc các con tin Nhật Bản trong những năm 1970-1980.  Điều này nhằm thực hiện đề nghị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Trump trong 2 cuộc gặp gần đây.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này quyết tâm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc thông qua các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Suga bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ thay đổi những chính sách của nước này “với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều”. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn “đưa binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước”. Tuy nhiên, ông khẳng định việc này có thể không diễn ra ngay lập tức, song “hy vọng điều đó sẽ diễn ra”. 

Bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ chưa diễn ra; đồng thời, các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ vẫn còn hiệu lực cho đến khi phi hạt nhân hóa Triều Tiên được thực hiện. Tổng thống Trump cũng cho biết đã mời ông Kim Jong-un tới thăm Nhà Trắng vào một thời điểm thích hợp và ông Trump cũng sẽ đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng.

Những thách thức đang chờ phía trước

Nước Mỹ sẽ thực hiện cam kết về “đảm bảo an ninh” với Triều Tiên như thế nào? Điều này có sẽ phối hợp với Trung Quốc như thế nào? Trong suốt cuộc họp báo, ông Trump đề cao vai trò Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng không hề đả động gì đến Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ có vai trò gì sau thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Liệu cuộc gặp này đã đi xa đến đâu trong việc xóa bỏ sự mơ hồ và gây nhiều tranh cãi về vấn đề “phi hạt nhân hóa”? Sự khác biệt lớn giữa hai nước cho đến này chính là cách hiểu về thuật ngữ phi hạt nhân hóa ấy có nghĩa như thế nào và các yêu cầu liên quan đến các bước đi tiến tới hòa bình và hòa giải để thuyết phục Triều Tiên hoàn hoàn từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này.

Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: “Con đường để tới được đây không hề dễ dàng. Những định kiến cũ và thực tiễn sai lầm có những thời điểm đã gây trở ngại cho bước tiến của chúng ta, nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả để đến được đây”.

Dù lạc quan một cách thận trọng, thế giới cũng chào đón những thành tựu của  cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên. Mặc dù, phần lớn các nhà quan sát kỳ cựu cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để đánh giá kết quả của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. Hai bên chỉ mới “bắt đầu một quá trình gian khổ”, như chính ông Trump thừa nhận./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ