• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: lá bài “hai mặt” ông Putin dành cho đồng cấp Trump

Thế giới 10/07/2018 12:21

(Tổ Quốc) - Cựu điệp viên đai đen judo với hơn 18 năm kinh nghiệm chính trị sẽ có chuẩn bị gì trước một Tổng thống mới nhậm chức 18 tháng?

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga sắp tới tại Helsinki, Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với một nhà lãnh đạo đầy kinh nghiệm, rất nguyên tắc và vô cùng chú trọng tới các chi tiết. Đó cũng là một chính trị gia đã “làm mưa làm gió” trên chính trường quốc tế trong hơn 18 năm. Đối lập lại, những gì ông Trump có chỉ là vỏn vẹn 18 tháng kể từ sau khi chính thức bước vào Nhà Trắng.

Giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị ngày 16/7 với rất nhiều số liệu, chi tiết… - được chuẩn bị sẵn sàng để có thể đạt được những lợi ích tối đa nhất từ phía người đồng cấp nước Mỹ, nhưng với cái giá phải trả ở mức tối thiểu nhất.

Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào tháng trước tại Singapore, được cho là sẽ “phủ bóng lên những tính toán của nhà lãnh đạo Nga. Một trong những kết quả đáng chú ý nhất của gặp gỡ Mỹ - Triều Tiên chính là việc Washington đồng ý dừng các cuộc tập trận chung với Seoul để đối lấy cam kết phi hạt nhân hóa từ phía Bình Nhưỡng.

“Tổng thống Putin sẽ nhìn vào cuộc họp với Kim Jong-un và có cùng một ý nghĩ: ông Trump đã cho đi một lá bài chủ chốt của nước Mỹ mà không nhận lại được bất kỳ điều gì cụ thể”, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ nói. “Ông Putin sẽ mong đợi một kết quả ít nhất là tương tự; vì vậy, ông ấy sẽ không ngần ngại khen ngợi, hứa hẹn và thuyết phục [Tổng thống Trump] để đạt được điều đó”.  

Tuy nhiên, ông Putin nhiều khả năng đang tìm kiếm một kết quả mà ở đó, Tổng thống Trump có thể tuyên bố về một thượng đỉnh Mỹ - Nga thành công với chiến thắng dành cho nước Mỹ . Đổi lại, Moscow sẽ tăng cơ hội đạt được những gì mà họ thực sự mong muốn: hợp pháp hóa việc sáp nhập Crimea, xóa bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhượng bộ về kiểm soát vũ khí.

“Ông ấy sẽ theo đuổi một trò chơi lâu dài tại cuộc gặp lần này ; sẽ coi đây là một sự đầu tư, một bước lùi trên con đường giảm bớt các áp lực từ bên ngoài,” Bill Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và từng là tham gia vào một số sự kiện thượng đỉnh giữa hai cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama với ông Putin – nhận định. “Ông ấy hiểu rằng, đó sẽ là điều thông minh cần phải làm”.

Xuất phát điểm là một doanh nhân, và mặc dù luôn tự hào về khả năng thương lượng của mình, có vẻ như ông Trump vẫn đang ở thế yếu hơn nếu so với ông Putin - một cựu điệp viên KGB có đai đen judo và hơn hết, dày dặn kinh nghiệm đối mặt với các đời Tổng thống Mỹ (tính cả ông Trump là người thứ tư).

Tổng thống Putin dày dặn kinh nghiệm chính trị hơn so với Tổng thống Trump

Theo Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời Tổng thống Obama, ông Trump nên chuẩn bị thật kỹ càng, và đơn giản là, không được dựa vào bản năng khi đối mặt với người đồng cấp Nga.

“Tổng thống Trump dành phần lớn cuộc đời của mình cho những thứ không phải là chính sách đối ngoại; trong khi phần lớn cuộc đời của Tổng thống Putin là cho các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia”, ông McFaul nói. “Chỉ nhìn vào bề ngoài những gì họ đã làm trong sự nghiệp của mình, ông Trump đang ở phía sau và cần phải chuẩn bị”.

Cựu đại sứ đánh giá, ông Putin có thể thể hiện khả năng thuyết phục cao thông qua những luận cứ rành mạch và rất nhiều sự tự tin. “Cách diễn giải của ông ấy không hoàn hảo và có một số thiếu sót,” McFaul chỉ ra, “tuy nhiên, những câu chuyện mà ông Putin kể lại rất hiệu quả”.

Khi được hỏi về việc Tổng thống Trump đã chuẩn bị như thế nào cho hội nghị thượng đỉnh, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Tổng thống Trump và đội ngũ của mình sẽ chuẩn bị để thảo luận tất cả các vấn đề trong quan hệ Mỹ - Nga”.  

Mặc dù Washington vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ khi ông Trump nhậm thức, bản thân Tổng thống Mỹ lại thể hiện một lập trường khá mềm mỏng đối với Nga - hơn bất kỳ cố vấn nào của ông. Người đứng đầu Nhà Trắng từng đề xuất, Nga nên quay trở lại nhóm Tám nước công nghiệp (G8) mà họ bị cấm tham gia sau khi sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014. Với sự ra đi của Nga, G7 còn lại các thành viên là Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.

Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ, tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Canada mới đây, ông Trump nói với các nhà lãnh đạo còn lại là, Crimea thuộc về Nga do phần lớn người dân trên bán đảo này đều nói tiếng Nga.

Các cựu quan chức Mỹ cho rằng, Tổng thống Putin có thể sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump bằng lời đề nghị: Nga gia tăng sức ép lên Iran khiến Cộng hòa Hồi giáo đưa các lực lượng đồng minh của mình rời tây nam Syria. Cùng lúc, người đứng đầu nước Nga cũng hiểu rằng, cơ hội để ông Trump đồng ý dỡ bỏ trừng phạt sẽ không cao do những phản đối từ Quốc hội Mỹ.

Theo truyền thông Nga, Tổng thống Trump sẽ được vây quanh bởi một đội ngũ các cố vấn - những người sẽ hộ trợ ông trong các quyết định quan trọng. Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng đã nói rõ, họ mong muốn một cuộc gặp mặt “một đối một” giữa hai nhà lãnh đạo mà không có sự xuất hiện của bất kỳ cố vấn nào. Đây là một viễn cảnh mà nhiều nhà phân tích e ngại, sẽ có thể dẫn tới những tình huống không có lợi cho người đứng đầu nước Mỹ.  

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ