• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thương hiệu Việt Nam: Phát triển nguồn lực văn hóa quốc gia

Văn hoá 16/12/2016 09:35

(Tổ Quốc) - Học giả người Nga đặt câu hỏi về “thương hiệu Việt Nam hướng tới thế giới lớn” trong thế kỷ XXI.

Trong hai ngày 15 và 16/12, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ năm, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 (ảnh: VGP/Đình Nam)

Tương tự như trong bốn lần tổ chức trước đây, văn hoá luôn dành được nhiều sự quan tâm và chiếm một thời lượng đáng kể của hội thảo Việt Nam học. Năm nay, hội thảo đã dành ra hẳn một tiểu ban với tên gọi “Các nguồn lực văn hoá” – tập trung vào thảo luận và đề xuất giải pháp cho những vấn đề nóng của văn hoá Việt Nam đương đại; cấu trúc, phương hướng phát triển các nguồn lực văn hoá quốc gia; giao lưu văn hoá Việt Nam và thế giới; giá trị cốt lõi của văn hoá Việt Nam; ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam…

Một trong những hoạt động nhận được nhiều sự chú ý và tham gia của các nhà Việt Nam học, các chuyên gia văn hoá… trong nước và quốc tế tại buổi làm việc đầu tiên của hội thảo, là phiên thảo luận về “Cấu trúc, phương pháp luận và đường lối phát triển các nguồn lực văn hoá” – do GS.TS Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) và GS.TS Nguyễn Chí Bền (Viện nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VH,TT&DL) chủ trì.

Daria Mishukova – nhà Đông phương học, nhà Việt Nam học người Nga, tác giả của cuốn sách “Việt Nam – Đất nước con Rồng, cháu Tiên” được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất về đất nước Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, nêu ra câu hỏi “thương hiệu Việt Nam là gì”? Theo bà, trong thế kỷ XX, dưới con mắt thế giới, Việt Nam không gắn với những hình ảnh tưởng là quen thuộc như phở, bánh mỳ, cà phê hay dép tông...; thay vào đó, nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến chiến tranh. Bà Daria cho rằng, nhiệm vụ của các nhà Việt Nam học trong thế kỷ XXI chính là tìm kiếm và phát triển “một thương hiệu Việt Nam mới, hướng tới thế giới lớn”; trong đó, “Việt Nam – một điểm đến du lịch” là một khả năng nên được cân nhắc.

Bài tham luận của nhà Việt Nam học người Nga cũng đã góp phần phản ánh một vấn đề “nóng” của văn hoá Việt Nam đương đại - đang được chính các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý văn hoá đang tham dự hội thảo Việt Nam học quan tâm. Đó là, trong bối cảnh biến đổi toàn cầu và yêu cầu phát triển bền vững, các giá trị văn hoá Việt Nam nên được bảo tồn nguyên dạng hay bảo tồn phát triển?

Hai chủ trì Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật quốc gia PGS.TS Từ Thị Loan và PGS. Vladimir Antoshchenko (Đại học quốc gia Moscow) và một học giả đến từ Thái Lan trong một buổi thảo luận thuộc khuôn khổ hội thảo (ảnh: Lan Phương)

GS.TS Trương Quốc Bình (Hội đồng di sản văn hoá quốc gia) tỏ ra lo lắng về việc các di tích lịch sử, văn hoá kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên Việt Nam đang bị xuống cấp và biến dạng nghiêm trọng do những hành vi vô thức và hữu thức của con người, cùng những sự tác động thường xuyên của các yếu tố thiên nhiên…. Chính vì vậy, theo ông, việc đổi mới các hoạt động quản lý bảo vệ và phát huy kho tàng di sản trong tình hình mới hiện nay có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước Việt Nam.

Chia sẻ với ý kiến ông Trương Quốc Bình, GS.TS Phạm Hồng Tung băn khoăn trước nhiệm vụ làm sao để gìn giữ và phát triển “môi sinh” cho các di sản vật thể và phi vật thể Việt Nam? “Quan niệm của tôi hơi cực đoan là phát triển du lịch bền vững phải gắn bó chặt chẽ với bảo tồn văn hoá; còn nếu không thể bảo tồn văn hóa, thì tốt nhất là đừng nên làm du lịch nữa,” ông Tung nói.

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên các học giả quốc tế đến từ Đức, Nga, Canada, Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đã có nhiều bài tham luận chất lượng xung quanh các vấn đề của văn hoá Việt Nam, phù hợp với tinh thần của chủ đề hội thảo Việt Nam học năm nay.  

Lan Phương

Lan Phương

NỔI BẬT TRANG CHỦ