• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thương trường khắc nghiệt đảo chiều quân sự Nga – Iran?

Thế giới 24/09/2018 14:06

(Tổ Quốc) - Quan hệ đối tác của Nga và Iran ở Syria đang nhường chỗ cho một cuộc cạnh tranh làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của Tehran, theo Wall Street Journal (WSJ).

Liên minh quân sự giữa Nga và Iran nhằm ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang nhường chỗ cho một cuộc cạnh tranh kinh tế khi cuộc chiến Syria đang gần đến hồi kết, tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định và cho biết thêm rằng, Moscow đang dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh này.

Nga “bồi” thêm thế trừng phạt Mỹ?

Các rắc rối của Iran đã gia tăng vào tháng 5 khi Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi một thỏa thuận đa phương kí năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy lợi ích kinh tế. Ông Trump sau đó cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới vào Tehran – điều thực sự là một cú sốc đối với nền kinh tế của Iran.

Động thái này của Mỹ đã làm tê liệt xuất khẩu dầu của Iran, khiến đồng nội tệ giảm mạnh và đẩy lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Nền kinh tế khó khăn đã thúc giục Quốc hội buộc Tổng thống Hassan Rouhani phải miễn nhiệm một số thành viên nội các. Vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 4/11.

Và mặt trận mới nổi nhanh nhất trong cuộc cạnh tranh giữa Iran và Nga là dầu mỏ.

Sản lượng dầu của Nga đã tăng vọt trong những tháng gần đây khi xuất khẩu của Iran đã giảm xuống – điều dấy lên sự chỉ trích từ một số quan chức Iran rằng Moscow đang lợi dụng khả năng dễ bị tổn thương của Tehran.

Dù có sự hợp tác chặt chẽ tại Syria, ông Putin và ông Rouhani vẫn có những quyết sách riêng trong con đường phát triển. (Nguồn: Điện Kremlin/Sputnik)

"Iran đang ở trong một vị thế yếu," Mark N. Katz, giáo sư tại Đại học George Mason và là một chuyên gia về các mối quan hệ của Nga ở Trung Đông cho biết. "Và Moscow đang tận dụng tình hình."

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã rút kế hoạch tham dự một cuộc họp vào ngày 23/9 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC ở Algeria. Iran đã cáo buộc Saudi Arabia và Nga hợp tác để đẩy sản lượng dầu lên cao hơn nhằm đẩy giá xuống và làm tổn hại nền kinh tế của Iran.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, xuất khẩu dầu của Iran và một loại dầu nhẹ được gọi là condensate đã giảm mạnh. Các quan chức tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Iran ước tính việc vận chuyển các lô hàng dầu thô sẽ giảm xuống còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng này - giảm 1/3 so với tháng 6, theo các nguồn tin thân cận với hoạt động tại các cảng của Iran.

Trong khi đó, Nga đã tăng sản lượng dầu của mình thêm 250.000 thùng, lên mức 11,6 triệu thùng / ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA. Trong tháng 8, doanh thu từ dầu khí của Nga đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 83 tỷ USD.

Phần lớn lượng dầu bổ sung của Nga sẽ đến với những người giảm thiểu số lượng mua dầu của Iran vì lo ngại ảnh hưởng từ đòn trừng phạt của Mỹ, như Hy Lạp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, WSJ dẫn nhiều nguồn dữ liệu chính thức,các đơn vị theo dõi vận chuyển dầu và các quan chức liên quan.

Đại diện Iran tại OPEC Hossein Kazempour, đã cáo buộc Nga gia tăng ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran bằng cách sử dụng dầu như một công cụ chính trị.

"Nga đang được hưởng lợi bằng việc không thực hiện thỏa thuận [hạt nhân]", ông Kazempour cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Nga rộng đường tại Trung Đông

Trong nỗ  lực củng cố vai trò là một nhà hòa giải quyền lực quan trọng ở Trung Đông, Nga cũng đang đẩy mạnh giao thương với các đối thủ của Iran. Nước này cũng đã tăng cường hợp tác về vũ khí và giao thương với các đối thủ trong khu vực của Iran, như Saudi Arabia và Israel, trong khi cũng còn bất đồng với Iran về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở biển Caspian.

Hoạt động thương mại của Nga với Israel đã tăng 25% trong năm ngoái, các phương tiện truyền thông quốc gia nước này trích lời Bộ trưởng bảo vệ môi trường của Israel. Năm ngoái, Nga đã đồng ý bán các hệ thống phòng không S-400 cho Saudi Arabia, một hệ thống tiên tiến hơn so với hệ thống S-300 mà Nga đã bán cho Iran.

Tại Syria, Nga đang vượt lên Iran để giành được nhiều cơ hội hơn trong việc tái thiết nước này hậu chiến tranh, dù trên tiền tuyến, Moscow và các lực lượng thân Iran vẫn đang tiếp tục hợp tác.

Ở Syria, Nga đang có vị thế thượng phong, với một chỗ đứng vững chắc trong ngành năng lượng. Năm ngoái, Syria cho biết Nga sẽ giúp khôi phục các mỏ dầu và khí đốt, đồng thời phát triển việc khai thác các mỏ khoáng sản tự nhiên ngoài khơi bờ biển Địa Trung Hải của Syria. Chính phủ Syria cũng đã trao quyền cho công ty kỹ thuật Stroytransgaz của Nga để khai thác phosphate gần Palmyra, một dự án ban đầu đã được hứa hẹn là dành cho các công ty Iran.

Về phần mình, Iran đã ký một hợp đồng để giúp xây dựng một nhà máy lọc dầu công suất 140.000 thùng/ngày tại Homs. Nhưng các thỏa thuận trước đây của Iran với Syria về việc phát triển lưới điện quốc gia và điều hành một mạng lưới viễn thông vẫn chưa được hiện thực hóa.

Bồi thêm vào sự cạnh tranh này, Iran và Nga vẫn còn bất đồng về các mỏ dầu biển ở biển Caspian ngay cả sau khi đã cùng kí kết một thỏa thuận đa phương mang tính bước ngoặt vào tháng 8 về quy chế pháp lý tại vùng biển này. Iran muốn một phần năm quyền khai thác dầu khí tại biển Caspian, nhưng Moscow chỉ muốn phân bổ ở mức 11%.

Theo WSJ, sự cọ xát giữa các bên đang gia tăng thêm sức ép lên Tehran khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Việc Nga có ưu thế hơn cũng cho thấy vai trò mạnh mẽ mà Moscow đang có được tại Trung Đông thông qua ngoại giao dầu mỏ và các mối quan hệ kinh tế chiến lược.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ