• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiết lộ góc khuất của nghề biên tập sách- nghề kiếm tìm những bản thảo vĩ đại

Văn hoá 17/12/2019 11:39

(Tổ Quốc) - Nhà văn Uông Triều vừa ra mắt tiểu thuyết "Cô độc", nhân dịp này chúng tôi đã thực hiện việc giải mã tác phẩm mới của nhà văn, ngõ hầu phần nào rõ thêm nhiều vấn đề đang tồn tại trong xã hội đặc biệt là trong công việc biên tập sách- một công việc gắn liền với tác giả gần 10 năm nay ở Nhà số 4.

Nếu sáng tác là một công việc ẩn chứa nhiều bí ẩn và mang nặng dấu ấn cá nhân thì nghề biên tập được ví như người gác cửa thầm lặng trước khi những tác phẩm ra mắt độc giả. Ngày ngày, những biên tập viên vẫn lặng lẽ đọc, duyệt để đưa các tác phẩm "sạch" tới tâm hồn mọi người.

Những góc khuất của nghề biên tập sách- nghề kiếm tìm những bản thảo vĩ đại - Ảnh 1.

Nhà văn Uông Triều

Trong làng văn, với những người từng biết nhà văn Uông Triều, điều đầu tiên khi nói về anh là khả năng đọc và điểm sách. Với những lợi thế của một người từng học sư phạm ngoại ngữ (tiếng Đức), từng là giáo viên giảng dạy tiếng Anh, sáng tác rồi làm công tác biên tập tại một cơ quan báo chí hàng đầu… để vượt qua đôi mắt của biên tập viên này không phải là việc dễ dàng.

Còn trong vai người sáng tác, Uông Triều là một tác giả khá ấn tượng bởi nếu từng gặp bên ngoài đời thực thì sẽ thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược khi đọc tác phẩm của anh.

Gần hai chục năm xuất hiện trên văn đàn, ngòi bút của Uông Triều khiến độc giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ tản văn về Hà Nội hay những truyện ngắn ngỡ là thế mạnh và thành công của cây bút này, nhưng không ngờ, tiểu thuyết hay ở những thể loại văn học khác (văn học dịch, nghiên cứu, kịch bản văn học…) cũng mở ra một thế giới hoàn toàn khác cho người đọc.

Để tìm hiểu sâu hơn về một chặng quan trọng trong cuộc hành hương của chữ, hiểu thêm những góc khuất trong công việc biên tập, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Uông Triều.

- Thưa nhà văn, được biết anh vừa cho ra đời đứa con tinh thần của mình, anh có thể lý giải tại sao lại đặt tên cho tác phẩm mới nhất của mình là "Cô độc"?

+ Trước hết, cần phân biệt rõ cô độc với cô đơn. Cô đơn chỉ là một trạng thái cảm giác khi ta không có bạn bè, không được chia sẻ, mang tính bị động. Còn cô độc là phẩm chất của nghệ sĩ, khi làm việc hoặc từ khi có ý tưởng, họ chỉ một mình, nó mang tính cá nhân rất cao và chủ động.

Sở dĩ tôi đặt tên cuốn sách như vậy với hàm ý sự cô độc của người nghệ sĩ, sự cô độc của con người trong xã hội hiện nay. Khi xung quanh chúng ta có rất nhiều người, có nhiều việc nhưng thực sự ta vẫn cô độc… thì tôi đặt tên cuốn sách này theo thiên hướng đó. 

- Ý tưởng nào thôi thúc anh đặt bút viết Cô độc? 

+ Tiểu thuyết mới của tôi viết về nghề biên tập sách, dường như chưa có cuốn sách nào viết về công việc biên tập sách.

Bản thân là người biên tập sách ở tạp chí Văn nghệ Quân đội nên tôi có sự gần gũi với công việc biên tập, từ những vui buồn, trăn trở, kiếm tìm những "bản thảo vĩ đại".

Ý tưởng để tôi viết tác phẩm này xuất phát chính từ nghề của mình. Đặc biệt, cuốn này tôi viết từ căn phòng của mình. Thường thì người viết ẩn mình, ít khi lộ diện trong tác phẩm, trong công việc. Cuốn sách này đặc biệt hơn khi nó rất gần gũi với tác giả.

Bối cảnh chính của câu chuyện trong tiểu thuyết lấy cảm hứng từ căn phòng làm việc của tôi, mọi sự vui buồn đều bắt nguồn từ căn phòng này mà ra, còn tất cả những thứ khác đều là phụ trợ.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi viết một cuốn sách lấy từ chính cảm hứng công việc của mình, phòng làm việc của mình, cơ quan của mình…và những người mình yêu quý.

- Tôi thấy một số nhà văn có thiên hướng sáng tác theo những mạch truyện nhất định, anh có như vậy không?

+ Nếu ai đã từng đọc Tưởng tượng và dấu vết hay Người mê (PV. Các tiểu thuyết của nhà văn Uông Triều) thì sẽ tiếp tục thấy cuốn này khá phức tạp.

Cuốn này cũng có một chút của chơi cấu trúc, cấu trúc tác phẩm tương đối hiện đại, nhân vật được tự thân tách ra làm đôi, tôi nghĩ đó là sự trưởng thành của người viết thôi. Nhưng sẽ dễ hơn, không phải là để đánh đố mà để tiếp cận độc giả tốt hơn.

Độc giả có thể mở khóa dần dần, bắt đầu từ một nhân vật phân thân ra làm 2, một nửa tiến về quá khứ, một nửa tiến về hiện tại.

- Tác giả có thể giải cấu trúc, hay đưa ra một chút "chìa khóa" để độc giả tiếp cận cuốn tiểu thuyết này dễ dàng hơn?

+ Cuốn này có những điểm mờ huyền ảo, mặc dù không theo trật tự tuyến tính nhưng mạch truyện tương đối mạch lạc, rõ ràng để độc giả có thể truy tìm từ ban đầu cho đến kết thúc.

Điểm mới của tiểu thuyết này là chúng ta có thể đọc theo nhiều cách, đọc xuôi, đọc ngược, hoặc giở từ giữa, từ bất kỳ chương nào trong cuốn sách… cũng không ảnh hưởng tới tổng thể.

- Là một người làm công tác biên tập, anh thấy xu hướng của độc giả có dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm như thế này?

+ Tiểu thuyết giống như ẩm thực, như rượu vang, như bóng đá… khi ta đã trót thưởng thức rồi thì sẽ thấy rất ngon.

Theo tôi, để đọc được những cuốn như thế này cũng phụ thuộc nhiều vào trình độ, gu thẩm mỹ, cảm quan… tùy sở trường, sở thích từng người.

Với cuốn này, độc giả cần cố gắng một chút, nhưng tôi hy vọng những người ham đọc sẽ thích.

- Trong cuộc sống hôm nay, các nhà văn cất lên tiếng nói của mình qua tác phẩm, theo anh, cuốn sách này sẽ có tác động tới độc giả như thế nào?

+ Tôi cho rằng tác phẩm ra mắt sẽ ít nhiều có tác động tới độc giả. Chẳng hạn, trong tác phẩm của tôi có nhân vật rất đam mê với nghề nghiệp, thậm chí sẵn sàng trả giá để được làm công việc mình yêu thích.

Tôi cũng quan sát thấy trong xã hội hiện nay, nhiều người làm việc hời hợt, đa phần làm chỉ vì mục đích kiếm tiền, chứ ít người làm việc vì tình yêu đối với công việc.

Theo tôi, cần phải chăm chút, yêu thương công việc của mình, như vậy mới truyền đi ý nghĩa nghề nghiệp tới mọi người.

Trong xã hội nhiều vấn đề bề nổi, dường như con người càng văn minh, tiến bộ, chúng ta càng cảm thấy cô đơn. Nhất là trong xã hội 4.0, khi trang thiết bị, máy móc, công nghệ phát triển chúng ta càng xa cách, càng cô độc.

Mong rằng câu chuyện trong cuốn sách có thể cảnh báo ai đó, đánh động tới ai đó đang hoặc sắp rơi vào các hoàn cảnh như vậy.

- Anh có nghĩ mình bị ảnh hưởng bởi một nhà văn hay một xu hướng nào đó không, bởi tôi biết anh đọc khá nhiều, và từng được mệnh danh "mọt sách"?

+ Theo tôi, bất kỳ một người nào đó khi viết đều bị ảnh hưởng, có thể là ảnh hưởng một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc ảnh hưởng tổng thể của rất nhiều người.

Nói riêng về cuốn này, là tinh thần hiện đại, hoặc hậu hiện đại, nó không giống như một cuốn tiểu thuyết thông thường. Chẳng hạn có thể đọc tách chương hoặc đọc xuyên suốt từ đầu tới cuối câu chuyện. Nó là trường phái lớn, nhiều người viết theo hướng đó.

Tôi cũng tung mù trong tác phẩm này, có những khoảng mở, khoảng trống để độc giả tự hiểu, tự suy xét về những điểm đấy, và nhiều nhà văn hiện đại đang viết theo cách này, để người đọc cùng tham gia vào câu chuyện đó.

Một cuốn tiểu thuyết viết trong 2 năm, đến khi hoàn thiện là 3 năm. Tôi hy vọng những bạn đọc bây giờ cũng là những người thông minh, cùng đọc, cùng cảm để tác phẩm này mở ra những chân trời mới để họ suy nghĩ về cuộc sống, xã hội…

- Một câu hỏi cuối cùng, từ câu chuyện của mình, anh nghĩ gì về trách nhiệm và vai trò của người cầm bút trong xã hội hôm nay?

+ Tôi nghĩ rằng những người cầm bút ở trong xã hội nào cũng đều quan trọng. Nhiều khi mọi người cho rằng các nhà văn, nhà thơ không đóng góp vai trò gì, nhưng đó chỉ là bề nổi. Còn thực chất, các tác phẩm âm thầm "giúp ích" cho ta trong cuộc sống, nó đi theo chiều sâu, tác động mạnh tới mặt tinh thần của con người ở một khía cạnh nào đấy.

Riêng những người đọc nhiều sách văn học sẽ có tác động khiến họ suy tư, suy nghĩ về các vấn đề, trải nghiệm đời sống sâu sắc, và đó là sách vở đã giúp ích cho cuộc sống của chúng ta.

Vân Khánh (thực hiện)

Buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết "Cô độc" của nhà văn Uông Triều mang tên Cuộc hành hương của chữ.

Tọa đàm có sự hiện diện của hai diễn giả: Phạm Xuân Thạch và Mai Anh Tuấn; dẫn chương trình là nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm. Tọa đàm sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 17/12/2019 tại tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - số 4 Lý Nam Đế.

Đây là buổi tọa đàm ra mắt sách được trông chờ của nhiều nhà văn, nhà thơ, những người từng biết đến "Ngôi đền" văn chương mang số 4, sau một thời gian dài vẫn chưa có buổi ra mắt sách nào được tổ chức ở đây.

NỔI BẬT TRANG CHỦ