• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm kiếm giải pháp Biển Đông trong cục diện mới

Thế giới 20/12/2018 09:26

(Tổ Quốc) - Ngày 18/12/2018, tại Thành phố Hạ Long diễn ra Hội thảo quốc gia lần thứ ba về Biển Đông.

Hội thảo đề cập đến cục diện mới tại Biển Đông và nhiều vấn đề liên quan. Cuộc xung đột Biển Đông đã trải qua hàng chục năm, việc giải quyết vẫn chưa đạt được sự khai thông có ý nghĩa nào. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa và thực hiện quân sự hóa - một bước đi nghiêm trọng tại Biển Đông.

Tìm kiếm giải pháp Biển Đông trong cục diện mới - Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo học giả.

Một số vấn đề mới xuất hiện trong bức tranh chung của cuộc xung đột ở Biển Đông. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc bước vào giai đoạn mới với đối đầu gay gắt, trong đó Biển Đông, cùng với Đài Loan, là mặt quân sự và an ninh mà Mỹ sử dụng để tạo áp lực với Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại.

Liên quan đến Biển Đông có 7 loại vấn đề: Chủ quyền biển đảo; an ninh, an toàn và tự do hàng hải; xung đột nước lớn; luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế; khai thác tài nguyên biển; môi trường sinh thái; hòa bình, ổn định ở Biển Đông và Đông Nam Á.

Đồng thời, liên quan đến tình hình Biển Đông đã xuất hiện ba vấn đề mới: Một là, Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông; Hai là, Trung Quốc dự định xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông; ba là, Biển Đông có vị trí nào trong Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mà Mỹ đề xuất từ cuối năm 2017.

Việc Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi với mật độ dày đặc trên Biển Đông sẽ mang lại các hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đến cách hành xử của các bên liên quan, trong đó có FONOPS, đến vấn đề an toàn hạt nhân toàn cầu, đến môi trường sinh thái của các nước, đặc biệt là Việt Nam.

Năm 2018, Anh và Pháp – hai thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là các cường quốc biển – góp phần quan trọng làm cho vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa ở cấp độ cao hơn.

Tập hợp lực lượng ở Biển Đông diễn ra theo tuyến các vấn đề dựa trên lợi ích, trong đó, có những vấn đề tập hợp lực lượng rộng rãi mang tầm cỡ và ảnh hưởng quốc tế. Cùng với 5 nước, 6 bên liên quan trực tiếp, cùng với sự phát triển của cuộc xung đột Biển Đông, có thêm hàng chục nước liên quan ngoài khu vực đã tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông, hình thành CỘNG ĐỒNG BIỂN ĐÔNG. Trong đó, các nước ngoài Biển Đông cũng có quyền và lợi ích trong việc chia sẻ các mối quan ngại, cũng như tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông.

Biển và đại dương chiếm 70% diện tích bề mặt trái đất. Biển và đại dương là biên giới cuối cùng của nhân loại. Thế kỷ 21, nhân loại bước vào Kỷ nguyên đại dương. Nền kinh tế đại dương trong những thập kỷ tới đang được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phát triển của dân số toàn cầu, của nền kinh tế, khí hậu, công nghệ… Những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ sẽ đóng góp quan trọng trong việc giải quyết nhiều nhiều thách thức môi trường liên quan đến đại dương và phát triển kinh tế dựa vào đại dương.

Châu Á bước vào thời kỳ thức tỉnh mới về biển. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đều đề ra các chiến lược biển. Tháng 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 36 Phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh.

Tình hình quốc tế liên quan đến Biển Đông đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy nhận thức, về chương trình hành động, bao gồm hợp tác giải quyết các vấn đề Biển Đông./.


PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ