• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tinh giảm biên chế: “Tơ vò” tại Malaysia và thành công từ Singapore

Thế giới 28/09/2017 14:17

(Tổ Quốc) - Trong khi Malaysia đang có nhiều tranh cãi về sự quá tải nhân sự trong khu vực công thì Singapore đã được ghi nhận là đạt được nhiều thành công trong vấn đề này.

Tách ra khỏi liên bang Malaysia vào năm 1965, Singapore đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các mặt, bao gồm cả dịch vụ công. Trong khi đó, Malaysia lại đang dấy lên nhiều tranh cãi về sự quá tải trong khu vực công.

Nhiều tranh cãi về nhân lực khu vực công Malaysia

Hiện nay, một công chức Malaysia phục vụ 19.37 người dân. Tỷ lệ này là 1: 110 đối với Indonesia, với Trung Quốc là 1: 108, trong khi Hàn Quốc là 1:50. Tính đến tháng 2/2017, Malaysia cũng là nước có tỉ lệ công chức cao nhất tại Châu Á- Thái Bình Dương, với 1.6 triệu người – chiếm 11% tổng lực lượng lao động.

Ngân sách để duy trì khối nhà nước của Malaysia đã lên tới 74 triệu RM cho lương và phụ cấp vào năm 2016 – một tín hiệu báo hiệu sự không bền vững.

Đã có nhiều tranh cãi về sự cồng kềnh trong khối nhà nước Malaysia.

Theo FreeMalaysiaToday, Bộ trưởng Tài chính thứ hai Malaysia Johari Abdul Ghani đã thừa nhận cởi mở rằng khối nhà nước nước này hiện tại đã trở nên cồng kềnh. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, họ sẽ không bị cắt giảm và chính phủ sẽ tìm cách khiến họ thực hiện được nhiều công việc hơn để nâng cao năng suất làm việc.

Nhiều chuyên gia đang lo ngại về sự bành trướng nhân sự của khối nhà nước Malaysia. Tan Sri Mohd Sheriff Mohd Kassim – cựu quan chức cấp cao Bộ Tài Chính nước này nói, đây có thể là một vấn đề Malaysia có thể không thể đối phó nổi nếu rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông nói nếu mức thâm hụt quốc gia của Malaysia tiếp tục ở mức 3%, cần phải xem xét việc cắt giảm nhân lực, đặc biệt ở khối nhà nước cấp thấp để cắt giảm chi tiêu.

Theo Ramon Navaratnam –  chuyên gia tại Trung tâm Asli về Chính sách công, tình trạng cồng kềnh trong khối nhà nước Malaysia là do 1 số nguyên nhân: Malaysia đã tuyển dụng ồ ạt giới trẻ khi kết quả đầu ra từ hệ thống giáo dục gia tăng. Nước này cũng tạo ra hàng loạt công ăn việc làm và muốn nhanh chóng lấp kín các vị trí trống; Không giống như khu vực tư nhân, khu vực nhà nước Malaysia hầu như không sa thải bất cứ ai khi làm việc kém hiệu quả và ngay cả đối với việc lãng phí tài sản công. Trong khi đó, đời sống tương đối thoải mái, đặc biệt ở những nhân viên cấp thấp. Tiền lương thì tốt hơn so với trước, lương hưu được đảm bảo, dịch vụ y tế tốt hơn đang được hưởng.

Tờ SCMP tháng 8 vừa qua cũng đã nhận định rằng, một trong những lý do Malaysia bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là khối nhà nước cồng kềnh của họ.

Trong khi một khu vực nhà nước quy mô lớn giúp củng cố chính phủ và làm cho Malaysia ổn định hơn, tuy nhiên, cũng cản trở những nỗ lực để cải tổ chính phủ, khiến cho Malaysia trở nên trì trệ hơn. SCMP cảnh báo rằng, nếu khối nhà nước không được tinh giảm, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính của chính phủ.

Cũng theo ông Tan Sri Mohd Sheriff Mohd Kassim, Malaysia nên bắt đầu cắt giảm nhân lực khối nhà nước nhanh chóng nếu muốn tránh nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng giống như Hy Lạp – đã phải cắt giảm lương và không thể trả trợ cấp về hưu cho khối nhà nước.

Cũng theo cựu phó giám đốc Quỹ Sabah Johan Ariffin, điều quan trọng là đảm bảo rằng khi công chức làm việc tốt, họ sẽ được đền đáp xứng đáng. "Chúng ta cần phải cải tiến hệ thống đánh giá, theo đó những người làm việc hiệu quả sẽ được khen thưởng và thăng tiến. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh".

Thành công khu vực hành chính công của Singapore

Về vấn đề cải cách hành chính công, ngay từ thời kì tự trị năm 1959, chính phủ Singapore đã bắt đầu quá trình cải cách hành chính hiệu quả để hợp lý hoá cấu trúc và các thủ tục của bộ máy hành chính công nhằm mục đích thúc đẩy hiệu quả tổ chức và đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia.

Ông Roger Tan – trợ lý giám đốc tại Đại học Dịch vụ Công Singapore từng chia sẻ vào năm 2014 rằng: "Trong những năm 1980, các văn phòng dịch vụ công của Singapore đã hoàn toàn vi tính hóa để tăng hiệu quả giải quyết công việc của chính phủ và giảm tiêu thụ giấy.

Tính tới năm 2014, hơn 90% dân số Singapore (trong tổng số khoảng 5.4 triệu dân) đã sử dụng mạng internet để đăng kí hơn 200 dịch vụ - được 30 văn phòng hành chính công điều hành bằng cách sử dụng một ứng dụng giúp tiết kiệm thời gian khi làm các thủ tục cấp phép.

Chuyên gia hành chính công Roger Tan cũng nhấn mạnh hiệu quả của việc phân quyền trong kiểm soát các bộ ngành của Singapore và tư nhân hoá các dịch vụ nhằm thúc đẩy tính linh hoạt của khu vực công và tăng cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân.

Về nguồn nhân lực, theo Today Online, tính tới năm 2014, khu vực công của Singapore sử dụng gần 143.000 người - tương đương 4% lực lượng lao động toàn quốc.

Vào đầu những năm 1960, Singapore đã bắt đầu một chương trình cải cách nhân tài liên quan đến khu vực công; bao gồm một số bước đi để cải cách ngành dịch vụ công thích nghi với yêu cầu của người Singapore.

Trước hết, chính phủ đã đề ra chiến lược làm việc và nghỉ hưu có chọn lọc; nói cách khác, các công chức-có bằng cấp và có năng lực được giữ lại trong khi những nhân tố không có năng lực thì bị loại bỏ. Yếu tố duy nhất để lựa chọn nhân lực là tính cạnh tranh trong công việc. Nhờ quá trình này, một số lượng lớn các công chức hoạt động không hiệu quả đã bị loại bỏ.

Sau khi tách ra khỏi liên bang Malaysia, chính phủ Singapore cũng bắt đầu chính sách tuyển dụng dựa trên năng lực thực tiễn đối với các nhân sự cấp cao - thu hút họ tham gia khu vực công với những hậu đãi về học bổng và đãi ngộ.

Về vấn đề này, chính phủ đã thành lập Cơ quan Dịch vụ Công (PSD): hoạt động như một cơ quan điều hành, tham vấn cho chính phủ về việc bổ nhiệm, bãi nhiệm và kỷ luật nguồn nhân lực nhà nước.

Để thu hút được những người giỏi nhất và tài năng nhất, PSC cung cấp nhiều học bổng hấp dẫn và nhiều gói hỗ trợ khác nhau (thường là những khoản trợ cấp cho phép sinh viên xuất sắc đi học đại học tại nước ngoài). Những học sinh chấp nhận học bổng có nghĩa vụ phải làm việc trong nhà nước sau khi tốt nghiệp trong một số năm nhất định.

Trong ba mươi năm qua, các cơ quan hành chính đã có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho người dân, áp dụng các phương thức nghiêm ngặt (dựa trên tính công bằng) để tuyển dụng và thăng tiến cho đội ngũ nhân sự. Hơn nữa, việc thăng tiến và xếp hạng nhân viên có liên quan chặt chẽ đến các bằng cấp, biểu hiện trong công việc và phải trải qua quá trình đánh giá.

Công chức Singapore được trả theo mức lương thị trường tương xứng với khu vực tư nhân. Yếu tố này đóng một vai trò quan trọng để chính phủ thu hút và duy trì một tỷ lệ thích hợp đội ngũ nhân tài của quốc gia. Bộ phận nhân sự, gọi là "Cơ quan Phát triển Lãnh đạo", có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn tài năng cho các vị trí lãnh đạo khối nhà nước.

Cho tới nay, "cải cách nhân tài" trong khu vực công đã thể hiện được sự thành công khi chính phủ Singapore hiểu rằng triết lý quản lý lấy nhân viên làm trung tâm là cần thiết để các cơ quan nhà nước thu hút, động viên và giữ lại những nhân tài giỏi và ưu tú nhất của Singapore.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ