• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được xây bằng máu xương nên không gì có thể lay chuyển được

Thời sự 04/10/2020 09:54

(Tổ Quốc) - Chiều 3/10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố: Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), 8/10/1960 - 8/10/2020.

Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được xây bằng máu xương nên không gì có thể lay chuyển được - Ảnh 1.

Dự tọa đàm, gặp mặt, về phía thành phố Hà Nội có Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh. Đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu và TP HCM có bà Tô Thị Bích Châu Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, lịch sử dân tộc đã khẳng định, Hà Nội - Huế - Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”, trải qua các thời kỳ lịch sử đã hợp sức cùng nhau trong lao động, sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi dân tộc, được thể hiện sinh động trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Cách đây 60 năm, theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội cùng đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đầu tháng 10-1960, do bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội làm Trưởng ban.

Kỷ niệm trong những năm kháng chiến chống Mỹ là những hình ảnh không thể nào quên. Nó đã ngấm vào máu, vào con tim khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn nói riêng và hai miền Nam - Bắc nói chung được xây nên bằng máu, bằng xương nên không gì có thể lay chuyển được.

GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Đông Phương thành phố Hồ Chí Minh

Tối 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa ba thành phố lớn: Hà Nội - Huế - Sài Gòn. “Từ đây, nhân dân Hà Nội đã ghi tên Huế - Sài Gòn trong trái tim mình, trong tâm trí”, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn từ đây đã phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả to lớn trên địa bàn Thủ đô. Nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều hướng về miền Nam ruột thịt.

Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được xây bằng máu xương nên không gì có thể lay chuyển được - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh "Mối quan hệ lâu đời giữa ba địa phương Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng tạo nên sự phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ cũng như trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay".

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Mối tình kết nghĩa giữa ba thành phố thể hiện tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia dân tộc.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được xây bằng máu xương nên không gì có thể lay chuyển được - Ảnh 5.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại buổi tọa đàm.

Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh, vai trò của mỗi địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đề nghị ba thành phố tập trung tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, việc kết nghĩa của ba thành phố đã góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử với Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối và cùng vun đắp, phát huy truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được xây bằng máu xương nên không gì có thể lay chuyển được - Ảnh 6.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nối tiếp truyền thống kết nghĩa quý báu đó, Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chương trình hợp tác giữa ba thành phố được ký kết, tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trên các mặt kinh tế - xã hội.

Tham luận dưới góc nhìn lịch sử, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, nhìn lại phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn là dịp để thấy rõ mối tình đoàn kết keo sơn của quân và dân ba thành phố, của các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, đưa nước ta ngày càng phát triển.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Hà Nội - Huế - Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Một điểm chung của ba thành phố này đều đã từng là kinh đô hoặc thủ đô, thủ phủ của mỗi miền trong tiến trình lịch sử đất nước.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ