Tính pháp lý của Condotel đang được xây dựng chặt chẽ, cơ hội đầu tư có đến trong năm 2020?

(Tổ Quốc) - Tại một hội thảo về “Bất động sản 2020 - Cơ hội và thách thức” do Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam khu vực miền Trung tổ chức mới đây, đại diện Bộ Xây dựng cho biết các cơ quan liên quan đang tiến hành rà soát và xây dựng tính pháp lý của BĐS condotel; xác định chính danh của thị trường phân khúc BĐS này là “căn hộ khách sạn”.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, BĐS tiếp tục được hỗ trợ từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện, tầng lớp trung lưu tăng nhanh đã góp phần tăng cầu trong lĩnh vực BĐS.

Đầu tư nước ngoài, kiều hối, khách du lịch trong và ngoài nước tăng mạnh tạo động lực cho thị trường BĐS du lịch, bất động sản công nghiệp. Lĩnh vực BĐS tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của đất nước.

Tuy nhiên, thị trường BĐS trong năm 2019 có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là yêu cầu rà soát vấn đề pháp lý của các dự án BĐS, kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS. Từ đó đã dẫn tới năm 2019 chứng kiến sự trái chiều của thị trường, mà Đà Nẵng là ví dụ.

Hàng loạt các dự án BĐS đưa vào diện rà soát pháp lý, thị trường condotel chững lại và xuất hiện các tranh chấp dân sự giữa chủ dự án và nhà đầu tư. Mặc dù giao dịch đi xuống nhưng vẫn xuất hiện nguồn cung từ nhu cầu thật, trong khi đó nguồn cung giảm đặc biệt là các dự án nhà ở cùng với điều chỉnh giá đất ở một số địa phương.

Song song đó, năm 2019, thị trường BĐS du lịch có sự điều chỉnh do một số dự án condotel không có khả năng chi trả lợi nhuận cam kết; từ đó, đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như tái cơ cấu thị trường này.

Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khối lượng giao dịch căn hộ du lịch (condotel) giảm mỗi năm 5-10%, giá rao bán căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với năm 2018. Trong đó, Khánh Hòa, Đà Nẵng là các địa phương chiếm nhiều giao dịch về căn hộ du lịch nhất, năm 2018 lên đến 40.000 giao dịch nhưng qua năm 2019 thì giảm xuống rất nhiều.

Sự sụt giảm này cũng chính là cơ hội để điều chỉnh lại cơ cấu nguồn hàng BĐS du lịch. Do thời gian qua tranh luận mãi về vấn đề pháp lý nên đến vừa rồi mới giải quyết xong. Đến nay, Bộ Xây dựng công bố cơ sở pháp lý của BĐS du lịch, trong đó có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cơ bản đã được điều chỉnh. Chỉ còn một vài điểm nhỏ thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng đang nghiên cứu.

Đó là quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến của Bộ Khoa học-Công nghệ và chắc chắn sẽ ban hành trong thời gian tới. Còn các quy định về đầu tư xây dựng, đặc biệt có một nội dung rất quan trọng là "quy chế quản lý, kinh doanh BĐS du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 10/2019. Theo đó, trong năm 2020, loại hình BĐS này sẽ được cơ cấu lại và là thị trường tiềm năng với cơ hội phát triển.

Đặc biệt, thị trường BĐS năm 2020 được dự báo sẽ gặp thách thức về nguồn cung và giá cả, nhất là BĐS nhà ở nhưng chính trong những khi thị trường BĐS gặp khó khăn thì những nhà môi giới, những người làm cầu nối giữa người bán và người mua càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nguồn cung mới cũng như những phân khúc thị trường mới.

Hiện Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hội Môi giới BĐS Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, thuế, condotel, officetel… để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh.

Đặc biệt, các nhà đầu tư, môi giới, phát triển dự án, doanh nghiệp, các phòng công chứng đang băn khoăn cho thị trường BĐS condotel gặp bế tắc do có sự bất ổn về tính pháp lý khiến giao dịch giảm sút.

Nam Phong

Tin mới