• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổ chức lớp truyền dạy, thực hành Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ

Văn hoá 08/07/2020 17:08

(Tổ Quốc) - Tổ chức lớp truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các học viên Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ; Điện Biên tổ chức hoạt động đọc sách, báo bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn BB4; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Hòa Bình đã góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Tổ chức lớp truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các học viên Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ

Theo thông tin được đăng tải trên Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ, ngày 8/7, các học viên đến từ 31 Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ trên địa bàn tỉnh đã tham gia lớp truyền dạy và thực hành Hát Xoan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 8 - 17/7/2020, các học viên sẽ được nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - Trùm Phường Xoan An Thái và cán bộ Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim truyền dạy, giới thiệu những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghệ thuật trình diễn Hát Xoan; về lịch sử, giá trị của Hát Xoan, sự khác biệt giữa Hát Xoan với các loại hình dân ca khác.

Tổ chức lớp truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các học viên Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ - Ảnh 1.

Quang cảnh lớp học/Nguồn: phutho.gov.vn

Ngoài ra, lớp học sẽ tổ chức cho các học viên thực hành hát, múa, gõ trống những bài Xoan cổ như: Kiều dương cách, giáo pháo, mời Vua, Xoan thời cách, đố huê - đố chữ, tràng mai cách…

Thông qua các hoạt động, lớp học sẽ giúp các học viên hiểu sâu thêm về giá trị và những kỹ năng cơ bản trong nghệ thuật Hát Xoan, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Điện Biên: Tổ chức hoạt động đọc sách, báo bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn BB4

Theo thông tin từ Sở VHTTDL, mới đây, hơn 3.000 bản sách, báo, tạp chí và 06 máy vi tính kết nối Internet đã được sử dụng để phục vụ cho hoạt động đọc sách, báo bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn BB4.

Hoạt động do Thư viện tỉnh phối hợp với Tiểu đoàn BB4 - Trung Đoàn BB 82 tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin, đọc sách, báo của cán bộ, chiến sĩ, giúp cho các cán bộ, chiến sĩ có những giờ sinh hoạt thư giãn sau những ngày tập luyện vất vả.

Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong kế hoạch phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh hằng năm. Qua đó phát huy hiệu quả của xe thư viện lưu động đa phương tiện và góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.

Hòa Bình: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân

Sở VHTTDL đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong 10 năm, việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Bộ VHTTDL cùng với sự nỗ lực của các địa phương. Tỉnh đã đầu tư bảo tồn 01 làng văn hóa truyền thống; hàng chục điểm văn hóa du lịch cộng đồng; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa dân tộc; gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian các dân tộc.

Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Mo Mường; Nghệ thuật trình diễn Chiêng Mường; Lịch cổ dân tộc Mường; Hát Thường đang bọ mẹng; Múa Sắc bùa; Múa Keeng Lóong; Múa Khắp…được phục dựng và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình và chỉ đạo thực hiện từ năm 2012-2014. Kết quả kiểm kê được 786 di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian…

Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn qua nhiều thế hệ, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa cùng với quá trình triển khai thực hiện Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Hòa Bình đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, trùng tu, phục dựng và truyền dạy. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; các lễ hội được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tạo điều kiện giao lưu, kết nối cộng đồng, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ