• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Toàn chính trường Mỹ tung tín hiệu sát cánh Đài Loan

Thế giới 27/03/2020 13:19

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật TAIPEI (Đài Bắc) nhằm thúc đẩy các liên minh của Đài Loan trên toàn thế giới trong bối cảnh áp lực của Trung Quốc gia tăng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật TAIPEI, một văn bản thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới.

Tăng cường vị thế của đảo Đài Loan

Đạo luật này, có tên chính thức là Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế của Đài Loan (TAIPEI), đã được Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua vào ngày 4/3. Một dự luật của Thượng viện, được nhất trí thông qua vào tháng 10, sau đó đã phải điều chỉnh với văn bản của Hạ viện để có thể được kí và đưa đến bàn của Tổng thống Trump kí thành luật.

Đạo luật này - do Thượng nghị sĩ Cory Gardner, thuộc phe Cộng hòa đến từ bang Colorado và Thượng nghị sĩ Chris Coons, thuộc Dân chủ từ bang Delware soạn thảo – nêu ra rằng Hoa Kỳ nên hỗ trợ Đài Loan trong việc tăng cường các liên minh trên khắp thế giới giữa bối cảnh sức ép của Trung Quốc tăng lên.

Toàn chính trường Mỹ tung tín hiệu sát cánh Đài Loan - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) có lập trường cứng rắn về mối quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

"Hoa Kỳ nên sử dụng mọi công cụ để hỗ trợ Đài Loan đứng trên sân khấu quốc tế, ông Keith Gardner nói trong một thông báo chung với Thượng nghị sĩ Coons. Đạo luật này của lưỡng đảng đòi hỏi cách tiếp cận toàn chính phủ để tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan và sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các quốc gia rằng sẽ có hậu quả đối với việc hỗ trợ các hành động của Trung Quốc muốn làm suy yếu vị thế của đảo Đài Loan.

"Tôi vui mừng rằng Tổng thống (Donald Trump - pv) đã ký dự luật này thành luật", ông Coons nói. Đạo luật TAIPEI gửi một thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ sát cánh với nền dân chủ thị trường tự do Đài Loan. Tôi mong muốn tìm ra thêm nhiều cách để ủng hộ vai trò tích cực của Đài Loan trong các vấn đề quốc tế.

Theo dự luật này, Mỹ sẽ xem xét giảm cam kết kinh tế, an ninh và ngoại giao với các quốc gia thực thi nhiều hành động làm suy yếu Đài Loan.

Bắc Kinh đã chỉ trích những động thái như vậy của các nhà lập pháp Hoa Kỳ là những nỗ lực can thiệp vào các vấn đề nội địa của Trung Quốc. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã gọi Đạo luật TAIPEI là hành động vi phạm nghiêm trọng đối với nguyên tắc một Trung Quốc.

Đài Loan vốn có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 15 quốc gia. Kể từ năm 2016, khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo này, tám quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo để quay sang ủng hộ Bắc Kinh, điều bà Thái Anh Văn cho là một trong các hành vi gây sức ép về ngoại giao và quân sự của Trung Quốc.

Phản ứng trước sức ép ngoại giao và quân sự của Trung Quốc

Sau khi được bầu lại vào tháng 1 năm nay, bà Thái Anh Văn nói với thế giới rằng Trung Quốc phải đối mặt với thực tế Đài Loan có tự chủ và Đài Loan xứng đáng nhận được sự tôn trọng của đại lục. Bà Thái Anh Văn đã chia sẻ với kênh BBC rằng: "Chúng tôi có bản sắc riêng của mình".

Theo dự luật trên, Mỹ nên ủng hộ tư cách thành viên của Đài Loan trong tất cả các tổ chức quốc tế mà vị thế chủ quyền không cần thiết và Đài Loan nên được cấp tư cách quan sát viên trong những tổ chức quốc tế thích hợp khác.

Hôm nay và tất cả các ngày khác, Quốc hội tiếp tục gửi một thông điệp tới thế giới rằng nước Mỹ sát cánh cùng Đài Loan. Chúng tôi [phải] đảm bảo rằng Đài Loan có một ghế trong bàn ra quyết định quốc tế, bao gồm cả tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu khi cơ quan này thông qua dự luật trên.

Đài Loan đã từng là một quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kể từ năm 2009 khi quan hệ xuyên eo biển Đài Loan được cải thiện dưới thời chính quyền Mã Anh Cửu. Tuy nhiên, vị trí này đã bị thu hồi sau khi bà Thái Anh Văn được bầu năm 2016.

Trong khi đại dịch Covid-19 đang gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã căng thẳng với nhau về việc loại trừ Đài Loan khỏi các cuộc họp của WHO. Các chuyên gia Đài Loan đã cố gắng tham dự một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào giữa tháng 2 mà không đưa ra thẻ xác định danh tính của họ.

Ngoài việc nhận được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã bày tỏ sự ủng hộ để Đài Loan tham gia vào vị trí quan sát viên của WHO.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ