Toàn ngành ngân hàng vào cuộc hỗ trợ giảm mạnh phí dịch vụ

(Tổ Quốc) - Liên tục từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 tới nay, ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách giảm phí dịch vụ và lãi suất cho vay.

Bài 2: Toàn ngành ngân hàng vào cuộc hỗ trợ giảm mạnh phí dịch vụ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, bên cạnh các chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán và dịch vụ thông tin tín dụng.

Mới nhất, ngày 31/3, NHNN đã điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm 2020, NHNN đã có 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

3 lần giảm phí dịch vụ thanh toán

Lần 1, tại Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11/02/2020, NHNN chỉ đạo TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống) cho người sử dụng dịch vụ. Chính sách này áp dụng từ ngày 25/2/2020.

Trong đợt giảm phí lần 1, Napas đã thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương và một số ngân hàng cũng đã triển khai thực hiện miễn phí dịch vụ như: Vietcombank, Agribank…..Theo Vụ Thanh toán (NHNN), đến ngày 26/3/2020, đã có 44/45 ngân hàng xác nhận tham gia triển khai miễn, giảm phí dịch vụ, chiếm 99,7% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị dưới 500.000 VNĐ qua Napas.

Lần 2, NHNN đã có văn bản số 1680/NHNN-TT ngày 13/3/2020 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ lần 2 đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001VND-2.000.000VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng. Thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Trong lần giảm phí này, Public Bank Vietnam, Nam A Bank và VietBank áp dụng mức phí thu tối thiểu 2.000 đồng/giao dịch. Một số ngân hàng lớn thực hiện điều chỉnh giảm phí nhẹ so với mức phí trước đó như Vietcombank, Agribank và BIDV áp dụng mức thu 5.000 đồng/giao dịch chuyển tiền có giá trị trên 500.000-2 triệu đồng. Chẳng hạn, tại BIDV, từ ngày 1/4/2020, BIDV tiếp tục giảm phí lần thứ 2 đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Theo đó, mức giảm cao nhất sau 2 lần điều chỉnh lên tới hơn 70%, tương ứng mức phí chỉ 2.000 đồng/giao dịch chuyển tiền có trị giá đến 500.000 đồng và 5.000 đồng/giao dịch chuyển tiền có trị giá từ trên 500.000 - 2 triệu đồng. Đây cũng là mức giảm phí sâu nhất và thấp nhất trong khối các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. 

Mặc dù, cả hai chương trình giảm phí trên sẽ tác động không nhỏ đến doanh thu của Napas và các ngân hàng nhưng Napas và các ngân hàng cho biết luôn cam kết sát cánh, đồng hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, ứng phó trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến, tiết giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, để hỗ trợ các ngân hàng có thể tiếp tục giảm phí cho khách hàng, ngày 31/3, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2013/TT-NHNN về biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN. Theo đó, điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020). Vì vậy, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NHNN đã thực hiện. Thời gian thực hiện từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Gần 100% giao dịch từ 500.001 đồng được miễn giảm phí

Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tính đến ngày 26/3/2020, đã có 40/45 ngân hàng xác nhận về việc miễn giảm phí cho khách hàng, (chiếm 99,5% giao dịch từ 500.001VND- 2.000.000 VND qua Napas). Trong đó, 15 ngân hàng thực hiện miễn phí, chiếm 49,1% lượng giao dịch; 25 ngân hàng giảm bằng hoặc nhiều hơn mức Napas giảm, chiếm  50,4% lượng giao dịch.

Theo Napas, tỷ trọng số lượng giao dịch có giá trị nhỏ (dưới 500.000VND chiếm trên 25% tổng số giao dịch qua Napas. Với lần giảm phí thứ 2 năm 2020 (áp dụng từ ngày 25/3/2020) đối với giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 500.001-2.000.000VND, tỷ trọng giao dịch chiếm trên 38% trên tổng số giao dịch chuyển tiền qua Napas. Như vậy, sau 02 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng.

Giao dịch ngân hàng trực tuyến đang được đa số người tiêu dùng lựa chọn bởi nhiều tiện ích như vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các NHTM cũng đưa ra các chương trình ưu đãi bên cạnh giảm phí dịch vụ ngân hàng điện tử, nhằm khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt để phòng chống lây lan dịch Covid-19.

Theo thống kê của Vụ Thanh toán, thanh toán điện tử qua qua thẻ ngân hàng, Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2019, giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 37,1% về số lượng và 27,9% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh internet tăng 32,8% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 195,3% về số lượng và tăng 117,2% về giá trị.

Đặc biệt, đối với giảo dịch chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí. NHNN cho rằng việc miễn phí cho khách hàng chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và các chương trình nhân đạo là phù hợp trong bối cảnh ngành ngân hàng cùng cả nước chung tay chống dịch, cùng chung tay góp sức triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19 và các chương trình nhân đạo. Vì vậy, ngày 24/3/2020, NHNN đã có công văn số 2094/NHNN-TT ngày 24/3/2020 chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.

Không chỉ NHTM giảm phí dịch vụ thanh toán, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng 2 lần giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng. Giải pháp của CIC ngoài việc giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đối tượng được giảm mức thu dịch vụ thông tin tin tín dụng của CIC là tất cả các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. 

Theo đó lần 1, mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn. Thời gian triển khai từ tháng 01/2020 đến hết tháng 04/2020. Lần 2, CIC thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của TCTD từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020, là cơ sở cho các TCTD giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng cho khách hàng. Đây là hành động thiết thực, kịp thời của CIC trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh các chính sách về miễn, giảm phí, nhiều NHTM còn triển khai các chính sách về miễn, giảm lãi suất đối với những khoản vay cũ và cả khoản vay mới, hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua đó, ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Không những thế, hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19" của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 15 NHTM đã ủng hộ 140 tỷ đồng, qua đó cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân. Ngành Ngân hàng cũng vận động các tổ chức công đoàn, cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn với giá trị quà tặng ủng hộ trị giá 15 tỷ đồng tại 5 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Toàn ngành ngân hàng vào cuộc hỗ trợ giảm mạnh phí dịch vụ - Ảnh 2.

Phương Linh

Tin mới