• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Tôi hi vọng “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” sẽ đến với độc giả Mỹ“

Văn hoá 21/04/2017 08:00

(Tổ Quốc) -Đây là kỳ vọng của dịch giả Mạnh Chương chia sẻ với Điện tử Tổ Quốc nhân dịp “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – Phiên bản tiếng Anh, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, ra mắt bạn đọc.

- Vì sao dịch giả Mạnh Chương nhận lời chuyển sang Anh ngữ cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh?

+ Việc nhận dịch cuốn sách này vừa là tình cờ lại vừa là cái duyên. Hiện nay tôi vẫn làm cộng tác viên dịch truyện ngắn cho tờ Vietnam News hàng tuần của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Mà anh Trần Mai Hưởng, em trai của anh Trần Mai Hạnh lại từng đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc TTXVN và Tổng biên tập Vietnam News. Anh Trần Mai Hạnh cũng từng  tìm nhiều người dịch cuốn sách rồi nhưng chưa được, thế là anh Trần Mai Hưởng giới thiệu tôi với anh Hạnh.

Đấy là một may mắn cho tôi, vì thực sự với tôi, đây là một cuốn sách “lớn”, dù không phải dạng văn học cao siêu nhưng lại rất lớn về chủ đề và sự kiện lịch sử mà tác phẩm tái hiện. Tác giả đã vận dụng tất cả các tài liệu quý giá mình thu thập được trong quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó cỏ rất nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật và các văn bản gốc của phía bên kia, rồi hoá thân phục dựng lại trung thực sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh trong khuôn khổ một  tác phẩm văn  học rất sinh động, tin cậy và như thật.

Khi anh Trần Mai Hạnh đặt vấn đề, tôi nhận lời dịch cuốn sách ngay. Khi nhận lời, tôi và anh Hạnh rất tin tưởng nhau, thậm chí chả ký hợp đồng gì cả. Hơn nữa, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật muốn  dịch cuốn sách sang Anh ngữ để giới thiệu với bạn bè thế giới, nên tôi cũng thấy vinh dự và trách nhiệm của mình.

Dịch giả Mạnh Chương bên cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" Anh ngữ.
Ảnh: Minh Khánh.

- Khi nhận lời đề nghị chuyển sang tiếng Anh, ông đã từng đọc cuốn sách này chưa?

+ Trước thời điểm nhận lời dịch cuốn sách, tôi chưa từng đọc.

- Vậy tại sao ông nhận lời dịch cuốn sách ngay, mà không chút lăn tăn?

+ Tôi là người “gốc” ở TTXVN, từng làm ở Ban đối ngoại TTXVN nên tôi đã biết anh Trần Mai Hạnh là một phóng viên giỏi. Bản thân tôi đánh giá cao năng lực của anh Trần Mai Hạnh. Vì vậy khi có lời mời dịch cuốn sách, tôi tin tưởng, nhận lời ngay và sau đó tôi mới đọc cuốn sách.

Hơn nữa, dịch thuật đối với tôi là một nghề. Bạn bè lứa tôi nhiều người giỏi hơn tôi nhưng có người đã quá già, người đã mất…; nhiều người coi dịch thuật là phương tiện nhưng với tôi đó lại là cứu cánh, nên từ năm 1965 tôi đam mê, sưu tầm sách vở để dịch.

Khi anh Trần Mai Hạnh đưa cuốn sách, tôi đã đọc liền một mạch vì rất hấp dẫn. Đây cũng là giai đoạn tôi đã sống qua. Nếu những người trẻ hiện nay mà dịch cuốn sách này thì có lẽ sẽ phải tra cứu rất nhiều để thấu hiểu được thực tế và không khí trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến năm 1975 ấy.

- Bắt tay vào dịch cuốn sách Biên bản, ông gặp khó khăn và những thuận lợi gì?

+ Có những cái khó tôi gặp phải, đó là văn phong của anh Hạnh là thứ văn phong nghiền ngẫm, rất có chiều sâu, nên việc chuyển sang Anh ngữ không phải dễ dàng, thứ nữa là có rất nhiều tư liệu như thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Nicxon và G.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu từ tiếng Anh dịch sang tiếng Việt rồi bây giờ lại dịch ngược sang tiếng Anh. Tôi phải cố gắng lột tả trung thực tất cả ý nghĩa…

Khi nhận lời dịch tôi dự kiến phải 6 tháng mới xong nhưng cuối cùng chỉ khoảng 3,5 tháng tôi đã xong.

Còn thuận lợi khi dịch cuốn sách là tôi cũng từng là người lính nên những ngôn ngữ của lính Mỹ, của chiến tranh, quân sự… đối vói tôi rất quen thuộc, chỉ có đoạn nào ngôn ngữ của anh Hạnh thì tôi mới thấy khó khi phải lột tả chân thật phẩm chất văn chương của nó.

Bìa cuốn sách khi được chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

- Là người được sống cùng thời với cuốn sách, vậy khi cầm cuốn sách đọc lại, đồng thời lại chuyển ngữ, vậy cuốn sách tác động đến dịch giả như thế nào?

+ Cuốn sách tác động đến tôi nhiều, thật ra chúng tôi là người tham gia trực tiếp chiến tranh. Nhưng cái quan trọng là khi đọc cuốn sách nó “sáng lên” về cuộc chiến tranh đã qua. Bởi cuộc chiến tuy đã kết thúc nhưng lại có nhiều luồng tư tưởng ập đến với cả người Việt Nam và người nước ngoài. Thậm chí họ chưa thể giải mã được tại sao cuộc chiến lại kết thúc như vậy. Thì chính cuốn sách này, chỉ với 4 tháng của cuộc chiến nhưng đã tạo nên bức tranh sinh động và rất thật rằng vì sao chúng ta thắng và phía bên kia thua.

- Những người được sống, và chứng kiến giây phút lịch sử đó, liệu khi đọc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, theo ông, có thể thấy dấu mốc lịch sử ngày 30/4 không?

+ Cuốn sách của Trần Mai Hạnh nó chân thực đến mức mang một “lẽ tất nhiên”. Bởi tác giả xây dựng cuốn sách dựa trên toàn bộ tư liệu lịch sử và tái hiện bằng văn học nên tác phẩm vừa mang tính lịch sử, vừa không khô cứng.

- Được biết để dịch cuốn sách ông phải tạm xa cuộc sống đô thị ồn ào để toàn tâm toàn ý. Vậy xin hỏi ông, lý do của việc tạm xa cuộc sống ồn ào để dịch cuốn sách là vì áp lực thời gian phải dịch cuốn sách xong, hay phải ở trong một không gian tĩnh lặng thì ông mới thẩm thấu được hết cuốn sách?

+ Tôi có một căn nhà tại Hà Nam mua cách đây hơn 10 năm. Và lý do chính là phải trong không gian tĩnh lặng tôi mới lĩnh hội được hết giá trị của cuốn sách, mới đủ tĩnh tâm để bay bổng với cuốn sách.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan- ông Nguyễn Tất Thành- chúc mừng tác giả Trần Mai Hạnh tại Lễ nhận Giải thưởng văn học ASEAN

- Là người làm dịch thuật lâu năm, với kinh nghiệm từng trải và với cách nhìn nhận của ông thì ông dự đoán số phận của cuốn sách sẽ như thế nào sau khi được chuyển sang Anh ngữ?

+ Tôi cho rằng, số phận cuốn sách đã được định đoạt bởi hai Giải thưởng danh giá về văn chương rồi nên tôi không muốn đánh giá thêm.

Tôi hi vọng khi cuốn sách này có bản tiếng Anh thì chắc chắn nó sẽ có tiếng vang hơn với quốc tế. Bởi trước đây, khi cuốn sách nhận được giải thưởng ASEAN thì phía nước ngoài chỉ nhận được bản tóm tắt nội dung thôi, nhưng họ đã thấy giá trị cuốn sách nên tác phẩm đã được Giải thưởng văn học ASEAN.  

Tôi cũng hi vọng một ngày nào đó độc giả Mỹ sẽ cầm trên tay cuốn sách này. Vào tay người Mỹ rồi thì cuốn sách có thể sẽ đi xa.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!.

Dịch giả Mạnh Chương tên đầy đủ: Nguyễn Mạnh Chương, sinh năm 1941. Ông từng công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc Phòng), Ủy ban về hợp tác Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch- Đầu tư).



Ông được Nhà nước cử đi phiên dịch cho đoàn Trung ương trong Ủy ban Liên hiệp Quân sự 4 Bên, thi hành hiệp định Paris, đóng tại trại David, Tân Sơn Nhất. Năm 1986, ông được cử đi biên dịch văn kiện cho Đại hội Đảng 6 (1986).



Dịch giả Mạnh Chương đã dịch nhiều cuốn tiểu thuyết Anh-Mỹ sang tiếng Việt cho các nhà xuất bản Phụ  nữ, Lao động, Văn học, Hội Nhà văn. Ngoài ra dịch giả còn làm chuyên gia tiếng Anh cho Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân và dịch cho trang truyện ngắn của báo Vietnam News (Thông tấn xã). Hiện nay ông vẫn làm cộng tác viên cho các báo và Bộ thông tin Truyền thông

Hiền Nguyễn (Thực hiện) 

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ