• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tôn vinh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam

03/05/2018 15:01

(Cinet) –Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức tại Bình Định vào ngày 5/5/2018, khẳng định sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy di sản này.

(Cinet) –Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức tại Bình Định vào ngày 5/5/2018, khẳng định sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy di sản này.

Bình Định vốn được xem là cái nôi của di sản Bài Chòi. Ảnh: Báo Bình Định

Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa đại diện của nhân loại

Ngày 7/12/2017, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là niềm vui to lớn đối với các tỉnh/thành phố có di sản: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Kết quả này cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng các nghệ nhân trong việc bảo vệ di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ nói riêng.

Bình Định vốn được xem là cái nôi của di sản. So với các tỉnh miền Trung có chung di sản, Bài Chòi dân gian Bình Định luôn được giới nghiên cứu đánh giá là độc đáo, đa dạng nhất. Nghệ nhân Bài Chòi dân gian của Bình Định, nhất là các lứa nghệ nhân trung niên, cao tuổi luôn được khen chuyên môn tốt: giữ được chất cổ trong làn điệu, nhiều kịch bản, tuồng tích… Cách bảo tồn và hiệu quả bảo tồn, phát huy bài chòi của Bình Định cũng được đánh giá là nguyên bản, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Để bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam”, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Bình Định tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản. Bên cạnh đó, khôi phục lại các câu lạc bộ Bài Chòi, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại. Đồng thời, tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản cho các thế hệ trẻ, các chương trình đào tạo cho các lớp nghệ nhân trẻ; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

Hiện tỉnh Bình Định đang xây dựng, hoàn thiện dự án nhằm bảo tồn nghệ thuật đặc biệt này; trong đó đề cao việc tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho biết, Bình Định hiện có 25 Câu lạc bộ Bài Chòi, sau này sẽ nhân rộng mô hình Câu lạc bộ tại các làng xã, xây dựng thành sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch. Có những nghệ nhân tuổi đã ngoài 90 vẫn tâm huyết, say mê với di sản. Nhằm thực hiện trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản vốn đã thấm đẫm trong dòng máu của người dân Trung Bộ, việc tôn vinh các cá nhân, Câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng. “Vì vậy, chúng tôi còn có trách nhiệm xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ trẻ kế tục từ các thế hệ nghệ nhân cao tuổi nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. Ảnh: Đảng Cộng sản.

Tạo sự lan tỏa trong cộng đồng

Chương trình Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra vào ngày 5/5/2018, tại thành phố Quy Nhơn và được truyền hình trực tiếp trên VTV1, phát thanh trực tiếp trên VOV.

Chương trình do NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Tổng đạo diễn. Chương trình được dàn dựng công phu từ sân khấu đến âm thanh, ánh sáng; quy tụ sự tham gia của gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi. Tại buổi lễ này, bên cạnh phần lễ, phần hội cũng sẽ được chú trọng với các nội dung: Nói về cội nguồn nghệ thuật Bài Chòi; thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung; bảo tồn, phát huy giá trị của Bài Chòi trong thời gian tới. Các tiết mục, hình ảnh và làn điệu Bài Chòi đặc sắc của 9 tỉnh trong khu vực Trung bộ cũng được trình diễn, giới thiệu trong chương trình.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang nghệ thuật bài chòi” có cấu trúc 3 chương: Chương 1 “Về nơi nguồn cội bài chòi” - giới thiệu bài chòi từ lúc sơ khai đến khi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần người miền Trung; Chương 2 “Bài chòi - hồn cốt văn hóa miền Trung” - khẳng định bài chòi đã đi vào thẳm sâu văn hóa, sinh hoạt của con người Trung bộ; Chương 3 “Ngàn năm nhịp phách bài chòi còn vang” là phần văn nghệ quy tụ tất cả các đoàn nghệ thuật từ các tỉnh tham gia, tạo nên cái kết hoành tráng cho Chương trình.

Chương 1 mở đầu bằng màn sử thi “Hội bài chòi quê tôi”, với hoạt cảnh “Rủ nhau đi đánh bài chòi” và “Bài chòi - từ chiếu lên sàn”, do Đoàn nghệ nhân Bình Định biểu diễn. Hoạt cảnh này sẽ tái hiện khung cảnh bài chòi từ lúc sơ khai cho đến khi đi vào phục vụ nhân dân. “Trên tinh thần kịch bản và thời lượng cho phép, chúng tôi cố gắng tái hiện Hội đánh bài chòi dân gian theo lối sân khấu hóa bằng cách đưa 9 chòi lên sân khấu, mở rộng không gian như một Hội đánh bài chòi với các bước hô thai, dâng cờ, dâng rượu, dâng thưởng…”, nghệ sĩ Hoàng Việt- một trong những biên đạo của Chương trình chia sẻ.

Lễ đón Bằng công nhận có sự tham gia của 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh, thành phố có di sản Bài Chòi.

Ảnh Báo Văn hóa

Để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam, nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Lễ đón bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc tổ chức lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành di sản, làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật; đồng thời củng cố mối liên kết giữa các cá nhân, các nhóm người và các câu lạc bộ thực hành di sản và thực hành các truyền thống văn hoá khác thông qua các hoạt động trình diễn và lễ hội liên quan; Qua đó cũng sẽ nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hoá phi vật thể này.

 

Lan Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ