• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự hội nghị trực tuyến ngành Tòa án

Thời sự 14/01/2019 17:11

(Tổ Quốc)- Ngày 14/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tòa án năm 2019 với 778 điểm cầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự hội nghị trực tuyến ngành Tòa án - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chính phủ

Dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ban, ngành ở Trung ương và cán bộ lãnh đạo, thẩm phán các cấp tòa án.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng các thành tích và trân trọng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực những đóng góp thiết thực của ngành tòa án. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án nghiêm túc nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân, thấy rõ trách nhiệm, tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác.

"Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các thẩm phán thanh liêm, chính trực, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật phải là ưu tiên hàng đầu của các tòa án", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo được Cổng Thông tin Chính phủ trích dẫn.

Hoan nghênh Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia đã ban hành "Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi thẩm phán phải soi vào, lấy các chuẩn mực của Bộ Quy tắc này để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện. Đồng thời, thẩm phán cũng phải nêu gương như đảng viên lãnh đạo; đội ngũ thẩm phán tốt, đáng tin cậy phải được xây dựng trên nền đội ngũ đảng viên tiên phong, gương mẫu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu ngành tòa án tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, các tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặt vấn đề: Năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, cần suy nghĩ những định hướng cho một chiến lược cải cách tư pháp mới của tòa án nói riêng, nền tư pháp nói chung.

Mặt khác, ngành tòa án cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao các hoạt động của ngành trong cả nước; hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử trước năm 2025, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia có nên tư pháp phát triển trên thế giới và thực tiễn Việt Nam.

Năm 2018, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh như: Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ… Các tòa đã xét xử sơ thẩm 256 vụ với 602 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

So với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 186 bị cáo. 11 bị cáo bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân và tử hình.

Toàn ngành cũng đã giải quyết 499.013/ 558.152 vụ án được thụ lý, đạt tỷ lệ 90% các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần qua các năm, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đề ra.

Trong xét xử các vụ án hình sự thời gian qua bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại các phiên tòa được thực thi nghiêm túc, nhất là các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự hội nghị trực tuyến ngành Tòa án - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Chính phủ


Nhấn mạnh năm 2019 là năm có vị trí quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ.


Toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế mức thấp nhất các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án; kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng.


“Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh./.


Thái Tùng (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ