• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư: “Yêu cầu đặt ra với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, mạnh hơn”

Thời sự 12/10/2020 14:12

(Tổ Quốc) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2050 sáng 12/10.

Nhiều cách làm năng động, sáng tạo

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, luôn luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ.

Tổng Bí thư: “Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc” - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Nam Nguyễn

Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quyết sách của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố vào cuộc sống.

“Những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định. 

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân những kết quả, tiến bộ và những yếu kém, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp đúng đắn, phù hợp nhằm phát huy ưu điểm, quyết tâm sửa chữa, nhanh chóng khắc phục có kết quả các khuyết điểm, hạn chế; củng cố, tăng cường niềm tin và sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hà Nội chưa khi nào có được vị thế, tầm vóc như bây giờ

Nhấn mạnh bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn ra những thay đổi nhanh chóng và khó lường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, dù vậy, đất nước ta vẫn vững vàng, vượt qua mọi trở ngại, đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.

Tổng Bí thư: “Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc” - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ" - Ảnh: Nam Nguyễn

“Như tôi đã nhiều lần khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, mạnh hơn” - ông nói.

Đặt câu hỏi Thủ đô sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô.

Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới.

Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc

Bày tỏ nhất trí với mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra trong nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý thêm một số vấn đề: Hà Nội cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển Hà Nội nhanh, bền vững hơn.

Tổng Bí thư: “Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc” - Ảnh 3.

Ảnh: Nam Nguyễn

Cùng với đó, Hà Nội với vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, cần huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực sự là động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

“Cần khơi dậy tinh thần tự hào, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào, tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ quan trọng của Đại hội lần này đó là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa mới; bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đại hội cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu cho Đảng bộ.

Báo cáo chính trị của Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày đã nhấn mạnh về mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Hà Nội cũng đặt ra 4 nhóm với 20 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025. Trong đó, về kinh tế có 6 chỉ tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ 8,0-8,5%; công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,5-3,0%. (2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. (3) GRDP bình quân/người: 8.300-8.500 USD. (4) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm). (5) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. (6) Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 được Hà Nội đặt ra nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và các cấp ủy đảng; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ