• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành công văn khiến các trường nghệ thuật gặp khó

Giáo dục 29/07/2019 16:43

(Tổ Quốc) - Việc tuyển sinh đào tạo nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn. Trong những cái khó thì khó nhất vẫn là tuyển sinh đầu vào. Việc hạn chế nguồn tuyển kéo theo những khó khăn trong việc đào tạo chất lượng cao.

Mới đây Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đã có văn bản gửi 45 cơ sở giáo dục đại học đã được Tổng cục  cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đề nghị dừng tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp kể từ ngày 01/7/2019.

Ngay sau khi nhận được công văn này, nhiều trường Đại học đã có ý kiến rằng với đề nghị này sẽ làm khó cho việc tuyển sinh của các trường. Trong đó, Học viện Âm nhạc Huế là một cơ sở đào tạo đặc thù nghệ thuật cũng đã có những phản hồi với Báo điện tử Tổ Quốc.

Đề nghị như vậy là làm khó cho trường

Là một trong số 45 cơ sở giáo dục đại học mà Tổng cục GDNN gửi công văn đề nghị dừng tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, nói về đề nghị này, TS. Hà Mai Hương- Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Huế cho biết, nhà trường sẽ có công văn đề nghị xem xét lại đối với các trường đặc thù.

Đối với các trường đào tạo nghệ thuật, do đặc thù mà việc đào tạo bắt đầu từ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Riêng đối với lĩnh vực âm nhạc, để đào tạo được trình độ đại học thì cần nguồn từ trung cấp lên mà giờ nếu dừng tuyển từ trung cấp thì Trường sẽ không thể có nguồn vào đại học được.

Từ thực trạng tuyển sinh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung cho thấy, nguồn đào tạo nhiều năm nay ngày càng ít. "Nếu làm như thế này sẽ chặn đứng hẳn, không có đào tạo trình độ cao của ngành nghệ thuật", TS. Hà Mai Hương khẳng định.

Bà Hương cũng cho rằng, đề nghị này không phù hợp với tính đặc thù của việc đào tạo cho ngành nghệ thuật và "Trường chắc chắn sẽ có công văn đề nghị, xin ý kiến, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, Tổng cục GDNN- Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT để có sự điều chỉnh, chứ không theo đề nghị trong văn bản này- từ 01/7/2019 đã có hiệu lực thì sẽ rất khó cho Học viện."

Hiện đang đi công tác, bà Hương cho biết, khi về Trường sẽ ngay lập tức tổ chức họp và chỉ đạo bộ phận chuyên môn có tờ trình gửi các cơ quan liên quan để xin điều chỉnh.

PGD_HaMaiHuong_ HV am nhac Hue-crop

TS. Hà Mai Hương - Học viện Âm nhạc Huế

Được biết, việc tuyển sinh của Học viện Âm nhạc Huế trong năm nay cũng như thời gian gần đây càng khó khăn do những đặc thù của ngành nghệ thuật, người học không nhiều, nhất là những chuyên ngành hiếm, thời gian đào tạo quá dài, mà cơ hội việc làm thấp nên nếu không có đào tạo đặt hàng hay có sự hỗ trợ của Bộ chủ quản cũng như của Nhà nước thì cũng rất khó tuyển sinh.

Mặc dù tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhà trường cũng sẽ cố gắng hết sức vì đào tạo nghệ thuật không thể giống các ngành khác. Phía Học viện cũng khẳng định, trong những cái khó thì khó nhất vẫn là tuyển sinh đầu vào. Việc hạn chế nguồn tuyển kéo theo những khó khăn trong việc đào tạo chất lượng cao.

Thời gian trước đây, do có nhiều lựa chọn đầu vào nên việc sàng lọc kỹ càng hơn, còn hiện tại các trường mở ra rất nhiều, các ngành khác thu hút hơn, cơ hội việc làm dễ dàng hơn thì ngành nghệ thuật bị lép vế. Nhất là ở các thành phố nhỏ, người dân không mấy 'mặn mà' tới ngành nghệ thuật nên người ta lại càng cân nhắc việc lựa chọn ngành nghề học. Nay lại thêm một công văn như vậy thì càng làm khó cho trường.

Khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

Tuần qua, tại cuộc họp hôm 22/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ VHTTDL, có đại diện của các trường đào tạo nghệ thuật, thể thao trực thuộc Bộ VHTTDL, các chuyên gia giáo dục và đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, cũng đã tổng kết về việc thực hiện triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo văn hóa, nghệ thuật.

Theo đó, qua gần 4 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số khía cạnh đã và đang trở thành những khó khăn vướng mắc có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có đào tạo nhân lực lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật.

Cụ thể như, quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu; Vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật, triển khai cấp giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục đại học có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Quy định về giảng dạy và chế độ đối với giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy cả hai cấp học…

Tại cuộc họp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho rằng, hiện những vấn đề về chính sách đào tạo, đào tạo chuyên sâu đối với các ngành VHNT; đầu tư có trọng điểm đối với ngành VHNT, thể thao; đối tượng đào tạo dân tộc thiểu số; quy định bằng cấp đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo VHNT là chưa hợp lý…

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Bộ VHTTDL, trong thời gian tới sẽ xem xét nhằm hoàn thiện, bổ sung chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp./.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ