• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Poroshenko đẩy Ukraina thành nạn nhân của chính sách cường quyền nước lớn

Thế giới 07/12/2018 07:50

(Tổ Quốc) - Ngoài việc lên tiếng ủng hộ Ukraina và chỉ trích Nga, phương Tây chỉ có thể giúp Ukraina để Ukraina tự cứu mình.

Việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraina và 24 thủy thủ đoàn trong vùng tranh chấp của Biển Azov, đêm 25 rạng ngày 26/11 (sự cố 25/11) gây mối quan tâm quốc tế đối với cuộc xung đột ở hành lang phía Đông của châu Âu, cũng như đối với sự trỗi dậy của chính trị cường quyền nước lớn trỗi dậy trên lục địa Á-Âu.

Tổng thống Poroshenko đẩy Ukraina thành nạn nhân của chính sách cường quyền nước lớn - Ảnh 1.

p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px Helvetica; -webkit-text-stroke: #000000}span.s1 {font-kerning: none}Tàu Nga bao vây bắt giữ tàu Ukraina trước eo biển Kerch, ngày 25/11.

Vì thất thế mà khiêu khích

Tổng thống Poroshenko đang bị thất thế trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Ukraine ngày 31/3/2019. Ông đứng thứ 5 trong các ứng cử viên ra tranh cử và dư luận đều dự báo ông ta sẽ thất bại trong cuộc bầu cử này. Dư luận quốc tế cũng cho rằng để cứu vãn tình thế của mình trong cuộc bầu cử, Poroshenko đã đánh một canh bạc bằng việc khiêu khích Nga khi cho các tàu chiến của Ukraina tiến vào khu vực tranh chấp do Nga kiểm soát ở vùng eo biển Kerch/Crưm/Azov.

Tổng thống Poroshenko đẩy Ukraina thành nạn nhân của chính sách cường quyền nước lớn - Ảnh 2.

Bản đồ phân chia vùng Đặc quyền kinh tế của Crưm/Azov/Biển Đen Hiệp ước 2003.

Sau sự cố 25/11, Tổng thống Poroshenko đã bày tỏ hy vọng các nước NATO sẵn sàng gửi một số tàu chiến đến Biển Azov để giúp Ukraina và khôi phục an ninh hàng hải. Tham dự một buổi lễ đánh dấu việc tiếp nhận khí tài quân sự mới ngày 1/12, tổng thống Ukraina thúc giục các nước đồng minh hành động: "Đây là một mối đe dọa to lớn, và cùng với các đồng minh của chúng ta, chúng ta đang tìm cách đáp ứng thích hợp với đe dọa này". Nhà lãnh đạo Ukraina muốn NATO phái các chiến hạm đến Biển Azov để giúp Ukaina thực thi thỏa thuận năm 2003, cho biết các chiến hạm Nga đã phong tỏa eo biển Kerch, ngoài khơi Crưm.

Tuyên bố của Tổng thống Poroshenko có thể đã gây hiểu lầm cho xã hội Ukraina và các đối tác quốc tế vì nó bỏ qua tình trạng pháp lý của Biển Azov. Thứ nhất, theo định nghĩa của Hiệp ước Biển Azov năm 2003 giữa Nga và Ucraina, đây là vùng nước nội thủy của Ukraina và Nga, cấm sự hiện diện của bất kỳ tàu chiến của một nước thứ ba nào nếu không được phép của cả hai nước. Thứ hai, Công ước Montreux năm 1936 áp đặt các hạn chế về trọng tải (tổng trọng tải không quá 30.000 tấn) và thời gian lưu trú (không quá 21 ngày) trong Biển Đen đối với tất cả các tàu chiến không phải của các nước ở Biển Đen. Do đó, về mặt lý thuyết Ukraina chỉ có thể dựa vào số lượng các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria hoặc Rumania gần bờ Biển Đen, loại trừ sự hiện diện của hải quân Mỹ, Anh hoặc bất kỳ quốc gia NATO nào khác.

Tổng thống Poroshenko đẩy Ukraina thành nạn nhân của chính sách cường quyền nước lớn - Ảnh 3.

Hành trình của đội tàu hải quân Ukraina đi vào vùng lãnh hải của đảo Crưm.

NATO và các thành viên Cộng đồng châu Âu không sẵn sàng cử tàu chiến đến Biển Đen, chứ chưa nói Biển Azov, để gây áp lực với Nga, điều có thể dẫn đến xung đột quân sự. Điều NATO có thể làm, ngoài việc lên tiếng ủng hộ Ukraina và chỉ trích Nga một cách mạnh mẽ, là giúp Ukraina để Ukraina tự cứu mình.

NATO vẫn đang duy trì cách tiếp cận kép trong chính sách đối với Nga: vừa ngăn chặn mạnh mẽ vừa muốn đối thoại chính trị.

Phát biểu với báo chí trước cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước NATO tại Brussels ngày 4/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã thực hiện việc tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, với các lực lượng vũ trang ở phần phía Đông của Liên minh. Đề cập đến sự hỗ trợ của NATO đối với Ukraina, ông cho biết: "Tất cả các thành viên và NATO đã ủng hộ về chính trị và hỗ trợ thiết thực mạnh mẽ cho Ukraina. Ukraina không phải là thành viên NATO nhưng chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina".

Stoltenberg cũng lưu ý rằng: "NATO cũng sẽ tiếp tục giúp hiện đại hóa và tăng cường lực lượng vũ trang Ukraina, hỗ trợ các quỹ tín thác khác nhau trong lĩnh vực mạng, chỉ huy và kiểm soát, giúp hiện đại hóa Hải quân Ukraina. Đó chính là do các hành động hung hăng của Nga chống lại Ukraina, sáp nhập bất hợp pháp Crưm, làm mất ổn định miền Đông Ukraina và bây giờ chúng ta cũng đã thấy những gì họ đang cố gắng làm ở Biển Azov". Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Nga thả các thủy thủ và các tàu Ukraina bị bắt giữ.

Năm 2003, Ukraina và Nga vào lúc "cơm lành canh ngọt" đã ký Hiệp ước phân định Biển Azov và phần ngoài của eo biển Kerch thuộc phần lãnh thổ Nga và bán đảo Crưm (xem đồ họa). Nhưng từ khi Nga sáp nhập Crưm năm 2014, nhất là sau khi Nga hoàn thành cây cầu tốn 3,5 tỷ USD nối đất liền với Crưm, tháng 5/2018, tình hình đã đổi khác. Nga tìm mọi cách kiểm soát Biển Azov, mà theo cách nói của người Ukraina, là nhằm biến nó thành "Hồ Nga". Nga đã chặn và kiểm tra 300 tàu của Ukraina ra vào Azov, tạo áp lực kinh tế với Ukraina, giữa lúc nước này say sưa với chính sách thù địch Nga, lôi kéo phương Tây gây áp lực tối đa với Nga.

Ông Poroshenko, theo lời ông Putin, dùng sự cố 25/11 để kích động tinh thần dân tộc của người Ukraina trước bầu cử.

Ông Poroshenko đã đẩy Ukraina thành nạn nhân của chính sách thực lực nước lớn, giữa lúc chính sách cường quyền đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Biển Đông. Bây giờ thì khó cho Poroshenko đàm phán với Nga, nếu không có các nước lớn như Đức, Pháp làm trung gian hòa giải.

Các nước nhỏ và vừa cần biết sử dụng các đòn bẩy quan hệ với nước lớn một cách có nguyên tắc và khôn khéo, chứ không nên đặt số phận của nước mình vào tay nước lớn này hoặc nước lớn khác./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ