• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Putin "toả sáng" tại Singapore và nhiệm vụ khó nhằn của Bộ Tứ?

Thế giới 12/11/2018 06:49

(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp có chuyến thăm chính thức Singapore và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Một trong những sự kiện quốc tế tại châu Á đang được chờ đón chính là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) – diễn ra tại Singapore từ ngày 13 – 15/11 tới đây, với sự có mặt của các nhà lãnh đạo ASEAN và tám nước đối tác.

Năm nay, Tổng thống Vladimir Putin trở thành một tiêu điểm lớn. Kể từ khi Nga trở thành một thành viên chính thức của EAS từ năm 2011, chưa một lần nào, người đứng đầu nước Nga tham dự hội nghị này, bất chấp tầm quan trọng ngày càng mở rộng của châu Á – Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại Nga.

Tổng thống Putin toả sáng tại Singapore và nhiệm vụ khó nhằn của Bộ Tứ? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: RT)

Một trong những lý do giải thích cho điều trên là ông Putin vốn hay ưu tiên tham gia diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) – thường được tổ chức ngay sau EAS. Do vậy, Tổng thống Nga sẽ giao quyền tham dự EAS cho Thủ tướng hoặc thậm chí là Bộ trưởng Ngoại giao.

Tuy nhiên, sự kiện lần này lại có chút khác biệt. Trong khi hội nghị APEC diễn ra tại tận Papua New Guinea, Singapore (nơi tổ chức cả EAS và Hội nghị cấp cao ASEAN) lại có vị trí địa lý gần Moscow hơn). Ngoài ra, 2018 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Singapore – Nga. Chính vì vậy, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ dẫn đầu đoàn Nga tới thủ đô Port Moresby, còn Tổng thống Putin sẽ tới Singapore, đồng thời có chuyến thăm chính thức quốc đảo Đông Nam Á.

Nếu chỉ nhìn vào những lý do vừa nêu ra, khó có thể nhận định được rõ, liệu lần tham dự EAS đầu tiên của ông Putin có mang ý nghĩa gì đặc biệt hay không. Tuy nhiên, do cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không có mặt, Tổng thống Nga có thể sẽ trở thành một trong những vị khách được chờ đón nhất tại thượng đỉnh, cùng với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tổng thống Putin toả sáng tại Singapore và nhiệm vụ khó nhằn của Bộ Tứ? - Ảnh 2.

Cả Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Abe đều có mối quan hệ tốt với ông Putin

Theo Anton Tsvetov, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược tại Moscow, sự xuất hiện của ông Putin tại Singapore sẽ giúp ông có cơ hội chứng tỏ "ưu tiên của Nga hướng về châu Á" không chỉ là xây dựng quan hệ tốt hơn với Nhật Bản và Ấn Độ, hỗ trợ cơ chế đa cực; mà còn cả xử lý sự liên kết chiến lược với Trung Quốc.

Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, chúng ta có thể chứng kiến lợi ích gia tăng của Nga đối với EAS và thể thức lấy ASEAN làm trọng tâm; và có lẽ là thêm cả những chuyến công du của Tổng thống Putin trong tương lai. Hiện tại, sáng kiến hàng đầu của Nga tại EAS là một đối thoại cấp độ làm việc về kiến trúc an ninh khu vực, nhưng cho tới nay hầu như chưa có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng được đánh giá là khá tham vọng: tái sắp xếp và hợp lý hóa nhiều đối thoại có chủ đề an ninh tại EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – để người tham dự không thảo luận cùng một vấn đề trên các diễn đàn khác nhau.

Do cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không có mặt, Tổng thống Nga có thể sẽ trở thành một trong những vị khách được chờ đón nhất tại thượng đỉnh, cùng với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

EAS luôn là nơi hai thế giới khác biệt giao thoa và cả va chạm. Một bên là một ASEAN đa cực, và bên kia là những người theo trường phái địa chính trị cứng rắn. Tại Singapore, với sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Nhật Bản Abe, sẽ chịu trách nhiệm thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng, đối thoại bốn bên Mỹ - Nhật – Australia - Ấn Độ (bộ Tứ) không chỉ "vô hại" với nguyên tắc "ASEAN là trung tâm", mà còn mở rộng quan hệ đối tác tới từng quốc gia Đông Nam Á.

Kể từ khi bộ Tứ tái khởi động đối thoại an ninh bên lề hội nghị EAS vào năm ngoái, giới quan sát đã đề cập tới những tiêu cực có thể xuất hiện. Một trong số đó là việc hình thành một thỏa thuận an ninh như vậy tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể bị coi như dấu hiệu thất bại cho cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm nhằm duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực và một trật tự dựa trên nguyên tắc.

Chính vì vậy, các thành viên của bộ Tứ đã dành không ít công sức để "trấn an" ASEAN (thông cáo của hội nghị ngày 7/6/2018 được đưa ra vì nguyên tắc lấy ASEAN làm trung tâm).

Bên cạnh đó, một chiến lược kiềm chế Trung Quốc dưới hình thức của một thỏa thuận hợp tác an ninh bốn bên (hay thậm chí đối thoại cấp cao hơn), sẽ không thể thành công nếu thiếu đi lớp thứ hai bao gồm các đối tác khu vực. Ý tưởng là, các nước ASEAN chờ đợi một chiến lược đủ mạnh để có thể đối trọng lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc; và họ sẽ tham gia nếu nhận được đủ lợi ích cần thiết.

Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra là một thỏa thuận an ninh bốn bên có thể sẽ là quá nhiều. Một động thái phản ứng như vậy, có khả năng sẽ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc; từ đó dẫn đến sự đổ vỡ của chính mục tiêu đề ra, đó là kiến tạo một châu Á hòa bình và ổn định hơn. Ngay cả Ấn Độ cũng tỏ ra thận trọng để không vì bộ Tứ mà tạo ra các ảnh hưởng quá tiêu cực tới mối quan hệ với Trung Quốc.

Tsvetov nhận định, nếu bộ Tứ ngày càng tiến gần hơn tới một hình thức mạng lưới thay vì một liên minh quyết đoán, gần như chắc chắn nó sẽ trấn an được các nước ASEAN trong khi không làm bùng lên ngọn lửa đối lập với Trung Quốc.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ