• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Trump khiến châu Âu "đau đầu" hơn là leo thang Iran?

Thế giới 13/01/2020 10:27

(Tổ Quốc) - Leo thang căng thẳng tuần qua giữa Iran và Mỹ đã phơi bày thực tế không thoải mái của đồng minh Mỹ tại châu Âu.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc – những quốc gia khác kí kết thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 (JCPOA) - cùng hành động giống ông là rời bỏ thỏa thuận này, thì ông đang yêu cầu những đồng minh châu Âu làm 1 điều vượt quá việc cô lập Iran.

Mỹ muốn châu Âu hành động

Thỏa thuận Iran, được kí dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Âu EU, là thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất trong lịch sử khối này. Đó là công lao của EU đã đưa tất cả các bên kí kết vào bàn đối thoại. Khi làm điều đó, họ không chỉ thúc đẩy Iran gắn kết với phương Tây, mà còn là 1 hành động quan trọng tạo nên một diễn đàn, theo đó, EU có thể thể hiện vai trò đầu tàu trong chính sách đối ngoại. Steven Blockmans, một chuyên gia hàng đầu về quan hệ đối ngoại tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu nói: "Ưu tiên hàng đầu của EU là cân bằng quan hệ với 2 ông lớn: Trung Quốc và Mỹ".

Tổng thống Trump khiến châu Âu "đau đầu" hơn là leo thang Iran? - Ảnh 1.

Những hành động của Tổng thống Trump đang khiến châu Âu khó khăn trong hành động. Ảnh: Reuters.

Vấn đề Trung Quốc của châu Âu rất nhạy cảm. Nhiều nền kinh tế châu Âu đang hưởng lợi từ đầu tư Trung Quốc nhưng thường đi kèm với những rủi ro an ninh khi cho phép các công ty nhà nước Trung Quốc lớn như Huawei hoạt động tại châu Âu.

Về phần mình, Trung Quốc sẽ rất hài lòng khi củng cố lập trường của mình là một bên ảnh hưởng lớn ở châu Âu – nơi có những nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Về mặt lịch sử, Trung Quốc và Iran có mối quan hệ ngoại giao tốt. Những điều này đã cải thiện sau khi kí kết JCPOA, khi đầu tư của Trung Quốc vào Iran tăng mạnh và tiếp tục dù ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.

Một vấn đề mà Trung Quốc và Iran có điểm chung là mối quan hệ nghèo nàn với ông Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tìm cách cô lập cả 2 nước này bằng cách dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại với 1 nước và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt với nước còn lại.

Trong khi đó, Iran có mối quan hệ rất thân thiện, cả ngoại giao và quân sự, với Nga – 1 nước mà EU cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ dù còn rất phức tạp. Nhiều nước EU dựa vào đầu tư và tài nguyên thiên nhiên của Nga, và các trung tâm tài chính lớn của EU, bao gồm London, đã nhận lượng đầu tư lớn từ người giàu Nga – những người muốn đưa tiền của họ ra khỏi Nga.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, châu Âu đã áp đặt nhiều trừng phạt tài chính vào Nga, theo sau cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử châu Âu và việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Châu Âu "lưỡng nan"

Khi đề cập đến các đồng minh châu Âu và NATO phải có hành động mạnh, rõ ràng hơn liên quan tới căng thẳng hiện tại của Mỹ với Iran, ông Trump đang đề nghị họ đưa ra lựa chọn: tiếp tục có quan hệ tốt đẹp với bạn bè tại Bắc Kinh, Moscow và Tehran hoặc sát cánh cùng đồng minh cũ. Bất chấp thực tế đồng minh cũ này đang được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo mà phần lớn giới ngoại giao châu Âu cho là có tính khí thất thường và có thể không còn lãnh đạo sau năm nay.

Và trong trường hợp ông Trump tái đắc cử thì châu Âu còn rất khó nghĩ về những hành động sắp tới của nhà lãnh đạo Mỹ. Điều làm phức tạp thêm quyết định của EU là việc 1 trong những thành viên hùng mạnh nhất của khối này đang sẵn sàng rời EU chỉ trong chưa đầy 1 tháng. "Anh đang rời EU vào thời điểm ông Trump cố thương lượng lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương", Mark Leonard, giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nói. "Có lo ngại rằng khi Anh rời EU, họ sẽ coi các thỏa thuận thương mại là điều quan trọng nhất".

Nằm trên cùng danh sách ưu tiên của Anh về thương mại là EU và Mỹ - và cái sau dường như còn có thêm ưu tiên chính trị với London. Nhưng điều nhiều chuyên gia thương mại đang nghiêng về là một thỏa thuận toàn diện với 1 bên sẽ nhấn chìm cơ hội đạt được điều tương tự với bên còn lại.

Một ví dụ về sự khó khăn trong cân bằng điều này với Thủ tướng Anh Boris Johnson là ông vừa ủng hộ cuộc không kích của Mỹ giết chết chỉ huy Iran Qasem Soleimani và vừa nói với Tehran ông có ý định tiếp tục ủng hộ JCPOA. Chưa rõ quan điểm "nước đôi" như vậy có thể duy trì được bao lâu, đặc biệt là khi có 4 công dân Anh tử nạn trong tổng số 176 người thiệt mạng do vụ tai nạn máy bay mà Iran bắn nhầm.

Khủng hoảng Iran đã vén lên tấm màn và tiết lộ sự chuyển dịch quyền lực phức tạp mà châu Âu phải đối mặt. EU muốn xoay xở cân bằng được Mỹ và Trung Quốc; Anh thì muốn cân bằng Mỹ - EU; còn Mỹ và Trung Quốc thì đều muốn thể hiện được sức mạnh của họ tại lục địa này.

Năm 1948, Tổng thống Harry Truman đã kí thành luật Kế hoạch Marshall, theo đó Mỹ sẽ gửi tới châu Âu hàng tỷ USD để xây dựng lại châu lục và hình ảnh của họ sau 2 cuộc chiến tranh. Vào năm 2020, sau 72 năm, liệu có một tổng thống Mỹ khác hành động tương tự để vượt lên Trung Quốc, Nga, Iran hay không?

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ