• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM không có doanh thu từ du lịch lữ hành trong tháng 4/2020

Du lịch 02/05/2020 15:45

(Tổ Quốc) - TP.HCM không có doanh thu từ du lịch lữ hành trong tháng 4/2020; Doanh nghiệp du lịch TPHCM chỉ bán phòng, cho thuê xe dịp nghỉ lễ; Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nghiêm túc lệnh cấm tắm biển để phòng dịch COVID-19 là tin du lịch đáng chú ý tại 2 tỉnh Nam Bộ mới đây

TP.HCM không có doanh thu từ du lịch trong tháng 4/2020

Đánh giá về tình hình nội thương trong tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2020, báo Pháp luật TPHCM dẫn nguồn Cục Thống kê TP.HCM cho biết: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 68.457 tỉ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch lữ hành thiệt hại nặng nề nhất, không phát sinh doanh thu trong tháng. Các ngành khác cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh.

TP.HCM không có doanh thu từ du lịch lữ hành trong tháng 4/2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Pháp luật TPHCM

Cụ thể, chiếm đến 81,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, doanh thu bán lẻ đạt 56.039 tỉ đồng giảm 4,8% so với cùng kỳ. Hầu như các trung tâm thương mại lượng khách đến mua sắm rất ít.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.306 tỉ đồng, giảm 85,8% so với cùng kỳ. Trong đó, đối với ngành ăn uống dù các đơn vị có đưa ra phương thức giao hàng tại nhà hay chỉ bán mang đi nhằm hạn chế tổn thất doanh thu, tuy nhiên tâm lý e ngại, người dân tăng cường ăn uống tại nhà, tránh tiếp xúc bên ngoài khiến doanh thu ngành này giảm 85,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu lưu trú cũng giảm 88,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay lượng khách chủ yếu là khách thuê theo giờ, hoặc những trường hợp lưu trú nhằm chữa bệnh, khách quốc tế đến và chưa thể về nước…

Tính chung bốn tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.568 tỉ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế, trừ ngành thương mại có mức tăng nhẹ, các ngành còn lại đều giảm sâu.

Riêng các nhóm lương thực, thực phẩm; hàng may mặc… có chỉ số tăng so với năm trước. Doanh thu từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 47.641 tỉ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 2.121 tỉ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ dịch vụ ăn uống giảm 45,1%.

Du lịch, lữ hành là ngành cũng chịu tổn thất nặng nề nhất từ dịch bệnh. Do đó, doanh thu ước đạt 4.175 tỉ đồng, giảm đến 58,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, hoạt động lữ hành dự báo sẽ còn khó khăn do dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó, du lịch nội địa dự báo sẽ có chuyển biến tích cực bắt đầu vào quý III. Tuy nhiên yếu tố tâm lý, chi phí là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh như Trung Quốc đạt 893.800 lượt, giảm 47,7%; Hàn Quốc 820.000 lượt, giảm 43,3%; Nhật Bản 201.100 lượt người, giảm 33,6%...

Một số quốc gia có lượng khách đến Việt Nam trong bốn tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước gồm khách đến từ Campuchia, Lào.

Doanh nghiệp du lịch TPHCM chỉ bán phòng, cho thuê xe dịp nghỉ lễ

Một số doanh nghiệp du lịch lớn tại TP.HCM giới thiệu dịch vụ đặt phòng, cho thuê xe đáp ứng cho những gia đình, nhóm nhỏ có nhu cầu thư giãn trong dịp lễ.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào những ngày đầu tiên sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng. Một số địa phương như Kiên Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Bình… thông báo mở cửa đón khách du lịch trở lại.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, một số doanh nghiệp chưa hoạt động nên các dịch vụ trong chuỗi cung ứng du lịch chưa được mở cửa đồng bộ.

Hiện nay, chỉ một số doanh nghiệp du lịch lớn ở TP.HCM giới thiệu dịch vụ đặt phòng, cho thuê xe đáp ứng cho những gia đình, nhóm nhỏ có nhu cầu thư giãn trong dịp lễ nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nghiêm túc lệnh cấm tắm biển để phòng dịch COVID-19

Nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác phòng chống, dịch COVID 19, UBND TP. Vũng Tàu vừa có Công văn số 2672/ UBND-VHTT ngày 29/4 về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động các bãi tắm biển trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu Phòng VH-TT tăng cường công tác tuyên truyền về việc tạm dừng hoạt động của các bãi tắm. BQL các KDL bố trí lực lượng ngăn chặn nhân dân và du khách tại các bãi tắm công cộng để tuyên truyền, kiểm tra, chấn chỉnh, phối hợp với các đơn vị khác xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời, yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch dọc bãi tắm biển thực hiện nghiêm việc tạm ngưng hoạt động và chịu trách nhiệm nếu để du khách vi phạm.

Công an thành phố, Đội Trật tự đô thị có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng thực hiện việc ngăn chặn người xuống tắm biển, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là các trường hợp chống đối người thi hành công vụ. UBND TP. Vũng Tàu cũng chỉ đạo các phường đặt biển báo để thông báo cho người dân, du khách việc cấm biển, phối hợp với các lực lượng khác để tuyên truyền, chốt chặn để ngăn người xuống biển. Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, cần chủ động thông tin đến khách lưu trú, khách sử dụng dịch vụ về nội dung tạm dừng hoạt động của các bãi tắm biển để du khách nắm rõ và tuân thủ.

Theo ghi nhận của báo BR-VT, trong ngày đầu nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhờ sự quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, du khách, quy định về việc cấm tắm biển đã được thực hiện tốt. Điều này giúp bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ