TQ soạn dự luật cho phép Hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác, chuyên gia chỉ ra những vấn đề nguy hiểm

Lan Hương | 20-11-2020 - 06:46 AM

(Tổ Quốc) - Động thái này được nhiều chuyên gia chú ý và bày tỏ lo ngại sẽ khiến căng thẳng ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông tăng cao.

Nguy cơ gia tăng đụng độ

và căng thẳng trên diện rộng

Ông Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, xét về mặt quan hệ quốc tế, đây là một chiến lược của Trung Quốc. Nước này làm gì cũng tính toán rất kỹ, chứ không hề ngẫu nhiên.

Nhiều người cho rằng, dưới thời ông Trump nắm quyền, Mỹ có thể khiến Trung Quốc phải xuống thang trong vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, vấn đề Biển Đông dưới thời ông Trump chưa có gì thay đổi được cả. Trung Quốc chưa có hành động nào xuống thang, thậm chí còn leo thang. Và một trong những hành động leo thang đó là chính là dự luật Hải cảnh này, ông Việt nhận định.

Về mặt quốc tế, Trung Quốc coi đây là thời điểm tốt vì đối thủ lớn nhất có thể kiềm chế họ là Mỹ đang vướng vào căng thẳng sau cuộc bầu cử. Lúc này, Mỹ không thể tập trung vào vấn đề Biển Đông được. Cũng vì dư luận thế giới đang tập trung vào cuộc bầu cử Mỹ, nên Trung Quốc cho rằng đây là thời điểm thích hợp để "ra tay", ông Việt lý giải.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Tổng thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, việc ban hành luật pháp cho phép lực lượng cảnh sát biển hay lực lượng thi hành pháp luật trên biển được sử dụng những biện pháp mà luật pháp cho phép, kể cả sử dụng vũ khí, trong vùng biển đúng là thuộc quyền tài phán quốc gia không sai.

Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, điều nguy hiểm là cái mà họ gọi là "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" hoàn toàn không phù hợp quy định của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).

Yêu sách biển của Trung Quốc bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm vùng biển thuộc quyền tài phán của các nước xung quanh được xác lập theo UNCLOS, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc còn có yêu sách phi lý về chủ quyền lãnh thổ và vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong nhiều năm qua, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần thực thi yêu sách quyền tài phán trên biển đối với tàu thuyền, ngư dân nước khác tại những vùng biển mà theo Luật biển quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền làm như vậy, gây ra những sự cố căng thẳng nghiêm trọng trên biển. Chẳng hạn các vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam năm 2009, 2010; tàu Trung Quốc cản phá hoạt động dầu khí của Việt Nam tại khu vực Tư Chính năm 2018, 2019; tàu Trung Quốc đối đầu với hải quân Indonesia trong vùng biển Natuna đầu năm nay, bà Hà liệt kê.

Vì vậy, nếu được thông qua, dự luật này sẽ được phía Trung Quốc biến thành cái mà họ gọi là "căn cứ pháp lý" cho lực lượng hải cảnh ra tay mạnh hơn ở những vùng biển mà nước này yêu sách phi lý, gia tăng những tình huống Trung Quốc lạm dụng "quyền tài phán", đe dọa an toàn của người và phương tiện của các nước ven biển khác hoạt động kinh tế bình thường và chính đáng trên biển. Điều này hoàn toàn không có lợi cho hòa bình, an ninh, an toàn ở Biển Đông, chuyên gia về Luật quốc tế bày tỏ lo ngại.

TQ soạn dự luật cho phép Hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác, chuyên gia chỉ ra những vấn đề nguy hiểm - Ảnh 2.

Trong khi đó, ông Việt cho rằng, từ trước đến nay, chỉ có mình Trung Quốc diễn giải UNCLOS một kiểu và khác tất cả các quốc gia khác. Cũng vì tình trạng này mà dẫn đến vấn đề như đường 9 đoạn Trung Quốc tuyên bố yêu sách nhưng thực tế không có cơ sở pháp lý và thế giới đều cho rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS rất lớn.

Ngay cả khi chưa có dự luật này, trong năm 2019 và 2018 đã xảy ra rất nhiều vụ tàu hải cảnh và các tàu khác của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Indosia, Philippines.

Vậy thì sắp tới, khả năng rất cao là dự luật Hải cảnh sẽ được Trung Quốc thông qua, và họ sẽ đẩy mạnh các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, ông Việt cảnh báo.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho rằng, nếu dự luật này được thông qua, khả năng rất cao là hải cảnh Trung Quốc sẽ sử dụng vũ khí để đẩy, đuổi các tàu nước ngoài ra khỏi "lãnh hải" hay "vùng đặc quyền kinh tế" mà nước này tự nhận. Trong trường hợp các nước triển khai lực lượng thực thi pháp luật để bảo vệ các tàu của mình thì nguy cơ va chạm hoặc gia tăng căng thẳng trên diện rộng là rõ ràng.

Trung Quốc cần
lắng nghe và điều chỉnh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, nếu muốn giải quyết bằng luật pháp thì cần phải chỉ rõ yêu sách biển nào là đúng, yêu sách nào sai. Căn cứ pháp lý để làm rõ điều đó là luật pháp quốc tế, là UNCLOS có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 cho thấy các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Trong năm 2020, một loạt quốc gia trong và ngoài khu vực cũng đã lên tiếng phản đối yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc thật sự tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, Trung Quốc cần lắng nghe ý kiến của các nước liên quan và điều chỉnh yêu sách, cũng như luật pháp quốc gia của mình cho phù hợp luật pháp quốc tế, bà Hà nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Việt cho rằng, để giải quyết các tranh chấp, quan trọng nhất là các bên phải tự kiềm chế, không có việc gây căng thẳng rồi sau đó lại nói là phải xây dựng lòng tin. "Nhưng với việc Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo thì trong khu vực có quốc gia nào tin Trung Quốc? Nếu không có lòng tin thì làm sao có thể xây dựng được cơ chế chung. Đó là vấn đề khó khăn nhất", ông Việt nói.

Phó Đô đốc Yoji Koda, thì cho rằng, qua các hoạt động chính trị và ngoại giao của mình trong những năm gần đây, Trung Quốc cho thấy họ không phải là quốc gia tự điều chỉnh mình theo các quy tắc quốc tế . "Chúng ta không nên quên thực tế này", ông Koda nói.

TQ soạn dự luật cho phép Hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác, chuyên gia chỉ ra những vấn đề nguy hiểm - Ảnh 3.

Về việc trong năm 2020 nhiều nước gửi Công hàm lên LHQ tuyên bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bà Hà cho rằng, ngoại trừ Trung Quốc, nhìn chung các nước này thể hiện quan điểm ủng hộ các chế định pháp lý trên biển mà UNCLOS đã quy định, khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển, kể cả ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình phù hợp Luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, khẳng định các yêu sách biển của Trung Quốc dựa trên "quyền lịch sử" hay vùng biển của các quần đảo mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Điều đáng chú ý là lần này, các nước đã lựa chọn nêu quan điểm một cách chính thức, công khai, thông qua hình thức công hàm ngoại giao lưu hành tại LHQ.

Tình hình cho thấy đang hình thành sự đồng nhất trong quan điểm của các nước về trật tự pháp lý phù hợp với UNCLOS tại Biển Đông và về những nội hàm phi pháp trong yêu sách biển của Trung Quốc. Đây là sự hỗ trợ quan trọng cho Việt Nam. Sự hỗ trợ này không có nghĩa đi với nước này chống lại nước kia, mà là đứng về phía Luật pháp quốc tế, lựa chọn bảo vệ công lý.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM