• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trái đất ra sao sau 200 triệu năm nữa: "choáng váng" nhất là kịch bản thứ tư

Thế giới 28/11/2018 22:02

(Tổ Quốc) - Những siêu lục địa nào sẽ được hình thành sau hàng trăm triệu năm nữa? Các nhà khoa học đã đưa ra một số kịch bản khác nhau.

Lớp vỏ ngoài trái đất được hình thành từ một loạt các mảng vỡ và hiện vẫn đang di chuyển với vận tốc vào khoảng một vài cm/năm. Thông thường các mảnh vỡ này – hay còn gọi là mảng kiến tạo, kết hợp với nhau để tạo thành một siêu lục địa mới và sẽ tồn tại hàng trăm triệu năm trước khi đứt rời. Pangea, siêu lục địa gần đây nhất hình thành từ… 310 triệu năm trước và cũng bắt đầu vỡ rời vào 180 triệu năm trước.

Hiện có bốn kịch bản về sự tạo thành các siêu lục địa mới đang được giới khoa học đưa ra. Mỗi kịch bản có khác biệt, nhưng đều liên hệ với sự nứt vỡ của Pangea. Ngày nay, các châu lục trên thế giới thực tế vẫn đang chuyển động. Đây là lý do tại sao Đại Tây Dương ra đời và vẫn tiếp tục được mở rộng ngay ở hiện tại; trong khi Thái Bình Dương là ngày càng bị thu hẹp.

Novopangea

Trái đất ra sao sau 200 triệu năm nữa: choáng váng nhất là kịch bản thứ tư - Ảnh 1.

Giả định là các điều kiện ngày nay vẫn tồn tại, Đại Tây Dương rộng ra và Thái Bình Dương nhỏ lại, chúng ta sẽ có một siêu lục địa mới với tên gọi Novopangea. Khi đó, châu Mỹ sẽ va chạm với một Nam cực đang trôi dạt về phía bắc; trước khi "chạm trán" với lục địa Phi-Âu Á vốn đã hòa làm một.

Pangea Ultima

Trái đất ra sao sau 200 triệu năm nữa: choáng váng nhất là kịch bản thứ tư - Ảnh 2.

Quá trình mở rộng của Đại Tây Dương có thể bị chậm lại, thậm chí là bắt đầu thu hẹp. Châu Âu và châu Phi sẽ hợp lại làm một để trở thành một siêu lục địa có tên là Pangea Ultima và được bao quanh bởi một siêu Thái Bình Dương.

Aurica

Nếu Đại Tây Dương phát triển các khu vực hút chìm mới (chỉ quá trình mà một mảng chuyển động xuống bên dưới một mảng khác và chìm vào sâu bên trong Trái Đất) – cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có thể sẽ biến mất. Điều này có nghĩa là một đại dương mới sẽ hình thành để thay thế hai đại dương này. Kết quả sẽ dẫn tới sự ra đời của siêu lục địa Auria. Do châu Úc hiện đang trôi về phía bắc, nên nó sẽ trở thành trung tâm của lục địa mới; còn các mảng kiến tạo thuộc châu Âu và châu Phi sẽ tụ hội với châu Mỹ.

Amasia

Trái đất ra sao sau 200 triệu năm nữa: choáng váng nhất là kịch bản thứ tư - Ảnh 3.

Kịch bản thứ tư đồng nghĩa với một số phận hoàn toàn khác biệt cho Trái đất. Hiện nhiều mảng kiến tạo đang di chuyển về phía bắc, bao gồm cả châu Phi và châu Úc. Vì vậy, người ta có thể tưởng tượng ra viễn cảnh khi tất cả các lục địa đều vây xung quanh cực bắc và tạo thành một siêu lục địa có tên là Amasia. Lúc này, cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương vẫn tồn tại.

Theo các nhà khoa học, trong bốn kịch bản trên, sự hình thành siêu lục địa Novopangea được cho là có nhiều khả năng trở thành hiện thực nhất.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ