Trái phiếu doanh nghiệp tháng 7/2020 bất ngờ giảm mạnh 38% với giá trị phát hành 19.944,5 tỷ, chỉ bằng 1/4 lượng đăng ký

Bảo An | 15-08-2020 - 09:43 AM

(Tổ Quốc) - Nghị định 81/2020/NĐ-CP dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9 tới đây có thể sẽ tiết chế sự tăng trưởng nóng với một số điều kiện hạn chế về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa tổng kết tình hình phát hành trái phiếu tháng 7/2020 với sự sụt giảm đáng kể so với tháng liền trước. Chi tiết, số đợt đăng ký trong tháng 7/2020 là 294 đợt, tổng giá trị tương đương 75.591 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị phát hành thành công chỉ đạt phần tư lượng đăng ký với 19.944,5 tỷ đồng, giảm 53% so với tháng 6/2020. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị giảm 38% (tháng 7/2019 đạt 32.081 tỷ đồng).

Luỹ kế 7 tháng đầu năm, có 147 doanh nghiệp tham giá phát hành tổng cộng 179.499,5 tỷ trái phiếu. Dẫn đầu là Tổ chức tín dụng với 8.135 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 41%. Đứng thứ hai là nhóm bất động sản với hơn 35% tổng lượng phát hành, tương đương 6.994 tỷ đồng.

Ghi nhận, Tập đoàn Sovico liên quan tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã huy động 2.000 tỷ thông qua 17 lần huy động; một đơn vị liên quan khác là HDBank cũng chào bán gần 2.400 tỷ đồng trái phiếu trong kỳ.

Trái phiếu doanh nghiệp tháng 7/2020 bất ngờ giảm mạnh 38% với giá trị phát hành 19.944,5 tỷ, chỉ bằng 1/4 lượng đăng ký - Ảnh 1.
Trái phiếu doanh nghiệp tháng 7/2020 bất ngờ giảm mạnh 38% với giá trị phát hành 19.944,5 tỷ, chỉ bằng 1/4 lượng đăng ký - Ảnh 2.

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục phải cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, ngân hàng có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu bằng mọi giá. Cảnh báo được đưa ra sau báo cáo của HNX về hoạt động phát hành trái phiếu trong tháng 5 với mức cao đột biến.

Được biết, khi nguồn vốn tín dụng bị siết chặt, kênh trái phiếu những năm gần đây nổi lên như một công cụ thay thế. Thống kê bởi SSI Reserch cũng cho thấy, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 đã tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng, xấp xỉ quy mô tiền gửi của Vietinbank - ngân hàng có thị phần tiền gửi thứ 4 tại Việt Nam (sau BIDV, Agribank và Vietcombank), tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa ba sàn chứng khoán Việt Nam.

Bước sang năm 2020, nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao khi rủi ro nợ xấu lên cao giữa bối cảnh nền kinh tế suy thoái, thậm chí chịu áp lực bởi đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, Nghị định 81/2020/NĐ-CP dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9 tới đây sẽ tiết chế sự tăng trưởng nóng với một số điều kiện hạn chế về phát hành.

Trong đó, đáng chú ý là khoản mục yêu cầu dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất. Mặt khác, việc bổ sung nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn phát hành, yêu cầu cao hơn về trách nhiệm… cũng sẽ là khiến thị trường từ sau tháng 9 bị ảnh hưởng. Nhìn chung, theo các chuyên gia tài chính thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai cần giao dịch thứ cấp, tăng tính thanh khoản và thông tin.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM