• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trần Đức Tiến và “Trên đôi cánh chuồn chuồn”

30/07/2015 11:43

(Toquoc)- Nhà văn Trần Đức Tiến đã rất thành công khi ông phát biểu: “Viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ” và ta đang quay lại, chí ít là thoáng nghĩ về tuổi thơ của mình đã có một thời như thế…



“Trên đôi cánh chuồn chuồn” là tác phẩm thứ 8 viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến. Sách dày 212 trang, với 28 mẩu truyện ngắn nhưng xuyên suốt trong từng câu truyện thì đây có thể coi như một tác phẩm truyện dài gồm có 28 mục nhỏ, thay đổi theo trình tự thời gian cũng như sự lớn lên của nhân vật “tôi” trong toàn bộ truyện.

Nếu căn cứ theo lời giới thiệu in ở bìa 4, tập truyện có thể tóm tắt như sau: “Cầm cuốn sách này trên tay, bạn đã có cơ hội kết thân với một người bạn chất phác, trung hậu và mơ mộng.

Cả tuổi thơ cậu ấy sống trong một ngôi làng nhỏ bé, cô đơn giữa đồng nước mênh mông. Cậu ấy lớn lên, đi học, chơi đùa, yêu ghét, hy vọng và chờ đợi. Phong cảnh làng quê. Sinh hoạt nông thôn. Những người thân trọng gia đình. Những người bạn thuở thiếu thời. Những người hàng xóm… Tất cả đã đến và đi, để lại trong ký ức tuổi thơ của cậu những dấu ấn khó phai.” Thế nhưng với lối viết nhẹ nhàng, có khi sâu lắng, lại không kém phần hóm hỉnh, có duyên, nhà văn Trần Đức Tiến đã để lại trong lòng những người bạn đọc những câu chuyện… thật cũ nhưng lại hoàn toàn mới lạ với thế hệ @ hiện nay, cùng những ước mơ thật hiền lành giản dị nhưng để đạt được cần phải có những nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân các bạn nhỏ. Đọc và ngẫm nghĩ, đôi khi ta bỗng bất chợt cười thầm, thú vị với những hình ảnh dí dỏm của nhà văn…







Bìa sách
 

Lấy bối cảnh là một làng quê chiêm trũng vùng đồng bằng Bắc bộ, phải chăng đó chính là làng quê Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, Hà Nam, quê hương của nhà văn? Cái làng quê ấy thật êm đềm, hiền hòa và không kém phần thơ mộng, nơi ấy “người bạn của chúng ta- nhân vật tôi” trong tác phẩm đã sinh ra và lớn lên, cậu bé ấy, năm lên ba tuổi suýt bị… cháy vì làm đổ cái đèn dầu hỏa trong mùng và lăn lê tìm mẹ… trong cái vò đựng ngô giống (Tìm mẹ trong vò, trang 5). Ngày ấy, trẻ con thường cai sữa trễ, bốn, năm tuổi còn nhay vú mẹ. Cái chi tiết bà mẹ cai sữa cho con qua hình ảnh vẽ “vằn vện” lên bầu ngực, hay bỏ hột gà luộc dưới gầm giường, cho con chui xuống lấy ăn mà quên vú mẹ, có lẽ những người ngoài 50 tuổi ai cũng biết, song lớp trẻ và nhất là những bà mẹ trẻ bây giờ ắt hẳn còn rất “mơ hồ”, đọc đến đây chợt phì cười và thương cho bà mẹ quê lam lũ cùng với con thơ, và cái kết thú vị của tác giả: “Tôi chui ra chui vào nhẵn cả đất dưới gầm giường thì thôi bú” (Gà đẻ gầm giường, trang 11). Rồi hình ảnh lớp học vỡ lòng của ông đồ già, tuổi đã về chiều, bắt đầu lẩn thẩn (Cụ đồ Nhưng, trang 22) hay cái lớp học trường làng với tiết viết chính tả theo kiểu từ chương, đọc chép, mà ngày nay không còn tồn tại nữa. Những bạn đọc nhỏ tuổi cũng sẽ thấy thích thú, lạ lẫm với những trò chơi dân gian, mang tính tinh nghịch của những cô cậu bé làng quê như “Xin bát cơm nguội” (trang 42), trò chơi đã khiến tác giả ân hận vì đã đạp vào khoeo chân mẹ, khiến mẹ phải bị đau nhiều năm trời, và đó cũng là qui luật, cậu bé trong truyện dần lớn lên, thì mẹ ngày già yếu, bệnh tật…

Bên cạnh hình ảnh bà mẹ quê tần tảo, lam làm một đời lo cho con là hình ảnh người bố làm thợ mộc phải xa nhà kiếm sống, lâu lâu mới về nhà một lần, trang viết của nhà văn Trần Đức Tiến bỗng dịu xuống, cảm động đến rưng rưng: “Càng về sau, tôi càng thấy râu ba tôi mọc dài hơn khi ông về. Công việc làm ăn mỗi ngày một khó. Thỉnh thoảng ông phải chuyển chỗ làm, đến một nơi nào đó xa hơn, trong những cánh rừng miền Trung hun hút…” (Ba về, trang 21). Câu truyện cũng kể về những người thân thích ruột thịt, hình ảnh người anh tuy mờ nhạt nhưng luôn nghiêm khắc, uốn nắn sửa chữa em mỗi lần hư hay làm trái một điều gì đó, rồi những người hàng xóm láng giềng, mỗi người gắn với một kỷ niệm, đến những cô cậu bạn học trang lứa, cùng nhau sinh hoạt vui chơi, thả diều, câu cá… Hai truyện “Câu cá giếc” và “Câu cá thần”, chứng tỏ tác giả rất “chuyên nghiệp” trong việc câu cá ở những ao quê, miêu tả khá kỹ những dụng cụ và hành động của những em bé câu cá thuần thục, chắc chắn sẽ làm trẻ em ở phố phải “phục lăn”.

Ẩn chứa sau những câu truyện, kỷ niệm như một cuộn phim quay chậm, tái hiện sinh động nếp sống, ăn ở của người nhà quê, trong môi trường ấy, tác giả vẫn khéo léo lồng ghép những chia sẻ giáo dục nhẹ nhàng như câu chuyện “Đi ăn cổ”, phải biết để ý “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, hay như “thần đáo”, nhắc nhở mọi người xa lánh những trò chơi cá cược ăn tiền dù có là “đáo gạo” hay “thần đáo”.

Viết cho thiếu nhi là viết về cuộc sống của các em, đời sống trong truyện là đời sống làng quê Bắc bộ vào khoảng thập niên do đó ít nhiều cũng hoặc là… xưa, hoặc là quá lạ lẫm với các em bé ngày nay, nhất là những trẻ em ở phố thị miền Nam, song mơ ước, được ước mơ vẫn luôn là điều giản dị gần gũi với tất cả mọi trẻ em, vì ai mà chẳng mơ ước ở trong đời. Trần Đức Tiến đã gợi ý cho các em qua các hình ảnh và chi tiết trong truyện “Buổi đến trường đầu tiên hay là bài chính tả bị đỉa cắn” (trang 29), hoặc truyện “Nhà văn và con gà” (trang 108), truyện “Bão và sách” (trang 201) những dự báo hay sự chớm nở về năng khiếu của một người yêu văn để trở thành nhà văn. Hoặc hành động viết tên họ, địa chỉ của mình trên những tờ giấy pơ-luya mỏng để gắn lên cánh những con chuồn chuồn và thả chúng bay muôn phương với hy vọng được nhiều người biết để kết bạn trong truyện “Trên đôi cánh chuồn chuồn” (trang 205).

Khép lại trang sách, cùng mạch với nhà văn mà liên tưởng, tôi tin mọi độc giả sẽ tự so sánh với tuổi thơ của mình, chắc hẳn vẫn có những gian khổ, khó nhọc song cũng không kém phần ý vị, thơ mộng về một khoảng đời thần tiên mà mình đã sống và đi qua… Như vậy là nhà văn Trần Đức Tiến đã rất thành công khi ông phát biểu: “Viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ” và ta đang quay lại, chí ít là thoáng nghĩ về tuổi thơ của mình đã có một thời như thế…

Gò Dầu hạ, tháng 7/ 2015

Trần Hoàng Vy

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ