• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh cãi nảy lửa việc “phóng nghệ thuật” lên vũ trụ

Văn hoá 26/08/2018 04:10

(Tổ Quốc) - Một dự án đưa tác phẩm nghệ thuật lên quỹ đạo Trái đất đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng các nhà thiên văn học.

Kế hoạch đưa một tác phẩm điêu khắc – cụ thể là một vệ tinh phi chức năng và có tính phản chiếu – vào vũ trụ của nghệ sỹ người Mỹ Trevor Paglen, đã vấp phải sự phản đối từ một số nhà thiên văn học và chuyên gia trong ngành vũ trụ.

Trong khi Paglen mong muốn tác phẩm của mình sẽ khuyến khích người xem suy nghĩ về sự nhân đạo và vị trí của loài người trong vũ trụ, thì nhóm chỉ trích lại cho rằng, “vệ tinh” này sẽ tạo ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng và gây ảnh hưởng đến công việc quan sát thiên văn học.

Phải mất đến 10 năm để hoàn thành, Orbital Reflector (Vật phản chiếu quỹ đạo) được các chuyên gia của công ty hàng không – vũ trụ Global Western thiết kế, với hỗ trợ của Bảo tàng nghệ thuật Nevada. Một dự án gây quỹ trên trang Kickstarter bắt đầu từ tháng 8/2017 đã kêu gọi được khoản tiền 76.000 USD, giúp cho “giấc mơ” có tổng kinh phí lên tới 1,3 triệu USD của Paglen, trở thành sự thật. Theo dự kiến, Orbital Reflector sẽ được phóng lên quỹ đạo vào giữa tháng 11 bằng một tên lửa SpaceX Falcon từ căn cứ không quân Vandenberg, California (Mỹ).  

Tác phẩm đặc biệt của Paglen dài khoảng 30m, là một quả bóng bay hình kim cương với lớp phủ titanium dioxide ở bên ngoài. Khi ở bên trong khoang chứa tên lửa, nó sẽ được làm xẹp và có kích cỡ bằng một viên gạch. Nhưng đến khi lên tới quỹ đạo thấp của Trái đất, Orbital Reflector sẽ được làm phồng lên bằng khí CO2, khiến “quả bóng bay” có thể phản chiếu ánh sáng của mặt trời trở lại Trái đất, ngay cả khi phía dưới đang là ban đêm.

Tác giả Trevor Paglen bên vật mẫu thử nghiệm của Orbital Reflector (ảnh: BT Nevada)

Theo video giới thiệu trên Kichstarter, Orbital Reflector sẽ là vệ tinh đầu tiên “chỉ có mục đích phục vụ cho nghệ thuật, mà không có bất kỳ lợi ích quân sự, thương mại hoặc khoa học nào hết… Ở nhiều mặt, nó đối lập với từng vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo”. Orbital Reflector sẽ ở lại trong vũ trụ khoảng 3 tháng trước khi rơi khỏi quỹ đạo và bị đốt cháy trong bầu khí quyển. “Một hình tượng lãng mạn, nghệ thuật hạ cánh từ trên bầu trời,” Amanda Horn, Giám đốc truyền thông của Bảo tàng nghệ thuật Nevada nói, đồng thời đảm bảo, “bất kỳ gián đoạn nào sẽ ở mức tối thiểu nhất”.  

Tuy nhiên, dường như giới khoa học không quá tin tưởng vào điều trên. Trong một bài báo có tựa “Này các nghệ sỹ, đừng vất rác rưởi sáng bóng vào vũ trụ nữa”, trang web chuyên về thiết kế, khoa học Gizmodo đã trở thành tiếng nói tiên phong trong làn sóng phản đối tác phẩm của Paglen. “Điều khiến người ta không hài lòng về vệ tinh này là nó được thiết kế để sáng chói và không có mục đích nào khác”, Gizmodo dẫn lời Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Harvard-Smithsonian cho biết. “Giống như là ai đó đặt một tấm biển quảng cáo đèn neon ngay trước cửa sổ phòng ngủ của bạn vậy”.

Theo McDowell, tất cả các vệ tinh đều có thể gây cản trở ít nhiều tới tầm quan sát thiên văn, vì vậy ảnh hưởng của Orbital Reflector tạm thời sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, điều này có thể khuyến khích sự ra đời của các vệ tinh phi chức năng khác. Và nếu giới nghệ sỹ đều muốn làm vệ tinh… sáng bóng, thì vấn đề thực sự sẽ xuất hiện.

Đáp trả lại những lời công kích, tác giả Paglen – người từng nghiên cứu về hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu của chính phủ Mỹ đối với người dân – cho biết, người nghệ sỹ cần có quyền sử dụng những công cụ liên quan tới vũ trụ, đồng thời việc nhắc nhở nhân loại về số lượng vệ tinh đang tồn tại ngoài không gian là vô cùng cần thiết.

“Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng nhất mà nghệ thuật có thể làm đó là đưa cho bạn một lý do để quan sát thứ gì đó”, Paglen chỉ ra.

“Orbita Reflector cản trở công việc quan sát thiên văn như thế nào?”, nghệ sỹ người Mỹ phản bác lại các nhà thiên văn học. “Họ có thật sự quan sát từ các kính viễn vọng không? Họ lo lắng rằng vệ tinh chuyển động sẽ cản trở tầm nhìn của kính? Nếu câu trả lời là ‘đúng’ thì đó sẽ là điều rất khó tin – hình ảnh một nhà thiên văn học nhìn các ngôi sao qua kính viễn vọng đã trở nên rất lỗi thời rồi”.

Orbital Reflector là một vệ tinh chỉ phục vụ mục đích nghệ thuật thuần túy (ảnh: BT Nevada)

Đáng lưu ý, theo Paglen, không phải tất cả các chuyên gia vũ trụ đều phản đối dự án của ông. “Tôi cho rằng, hầu hết các nhà thiên văn học đều rất phấn khích vì tác phẩm này giúp chia sẻ cơ hội được quan sát bầu trời – với nhiều người khác”, Paglen nói.

Trước câu hỏi, liệu có nên đưa tất cả những thiết bị do con người tạo ra lên không gian mà không phục vụ một mục đích khoa học hay quân sự thực sự nào, Paglen chỉ trích: “đây là ý tưởng cho rằng nghệ thuật không phải là điều tốt đẹp… Tại sao chúng ta khó chịu vì một tác phẩm nghệ thuật trong không gian, nhưng lại cảm thấy bình thường trước các tên lửa hạt nhân, thiết bị giám sát hàng loạt hoặc vệ tinh với động cơ hạt nhân có thể rơi xuống mặt đất và rác thải điện từ đang rải rác khắp nơi?”.

Paglen cũng tiết lộ, niềm cảm hứng cho Orbital Reflector thật ra đến từ nghệ sỹ theo trường phái Siêu việt Kazimir Malevich. Họa sỹ người Nga từng nhắc tới một thế giới với các tác phẩm nghệ thuật vây xung quanh, gọi là “Sputniks”. Tuy nhiên, cho dù các nghệ sỹ khác muốn đi theo dấu chân của Malevich và Paglen đi chăng nữa, những thách thức mà họ phải đối mặt cũng sẽ không hề ít ỏi. Orbital Reflector là “một dự án cực kỳ nặng về mặt hậu cần,” Paglen chia sẻ. “Đó chắc chắn không phải là điều mà một nghệ sỹ có thể dễ dàng thực hiện trong studio của mình”.

Ban đầu, Paglen dự định sẽ đưa Orbital Reflector lên quỹ đạo vào mùa xuân năm nay, tuy nhiên SpaceX đã lùi ngày phóng lại nhiều lần. Bất chấp các chỉ trích từ cộng đồng thiên văn, bà Horn từ Bảo tàng nghệ thuật Nevada hy vọng rằng, giữa tháng 11 sẽ là thời điểm cuối cùng. “Chúng tôi đã sẵn sàng để phóng Orbital Reflector”, bà khẳng định.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ