• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh cãi Triều Tiên “hồi đáp” Mỹ-Hàn xuống nước?

Thế giới 31/01/2018 15:59

(Tổ Quốc) - Việc Bình Nhưỡng trì hoãn hoạt động diễn tập quân sự mùa đông là kết quả từ chính sách gây sức ép của ông Trump hay điều gì khác?  

Trang Business Insiders đưa tin, việc Triều Tiên rút lại một số hoạt động quân sự mùa đông là một tín hiệu cho thấy, chiến lược “tối đa hóa áp lực” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm ép nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi vào bàn thương lượng - đã bắt đầu có hiệu quả.  

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, các cuộc tập trận thông thường diễn ra từ tháng 12 đến tháng 3 của Triều Tiên, bắt đầu muộn hơn và không có quy mô lớn như mọi khi.

Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ này có thể là do mức tăng lên tới 160% của giá nhiên liệu, hoặc đến từ ý định của chính quyền Bình Nhưỡng nhằm làm giảm căng thẳng. Cho dù là lý do gì, việc trì hoãn huấn luyện được cho là sẽ ảnh hưởng đến quân đội Triều Tiên, cũng như là dấu hiệu không tốt cho giới lãnh đạo nước này.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thoái trào xảy ra tại một số khu vực mà thông thường chúng ta sẽ không bắt gặp chúng,” Tướng Vincent K. Brooks, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nói với Wall Street Journal.

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump đã chứng tỏ thành công bước đầu?

Triều Tiên đang phải đối mặt với những lệnh trừng phạt nặng nề từ cộng đồng quốc tế sau các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, những nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) dường như mang một sắc thái mới trong quá trình áp dụng.

LHQ đã thành công trong việc yêu cầu một loạt các nước châu Phi đồng ý dừng hoàn toàn các trao đổi thương mại với Triều Tiên. Một số nguồn tin tiết lộ với Business Insider rằng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson liên tục hỏi các nhà ngoại giao nước ngoài về Triều Tiên, và những gì có thể làm để chặn đứng nguồn tài trợ cho quốc gia châu Á.

Ai Cập, Sudan và gần đây là Angola đã phải đối mặt với sự lựa chọn giữa tiến hành thương mại với Mỹ hay với Triều Tiên; và tất nhiên, họ đều đứng về phía Mỹ.

Andrea Berger, một chuyên gia về trừng phạt Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu hạn chế vũ khí giết người hàng loạt James Martin, nhận định, trong khi chính quyền Obama cũng cố gắng đi theo cách tiếp cận tương tự, “sự khác biệt là, không ai nghĩ rằng, các lời đe dọa của Mỹ lại có tác dụng” dưới thời ông Obama.

“Đây là lúc tính cách của ông Trump đã bộc lộ hiệu quả,” Berger nói.  

Cùng với những nỗ lực ngoại giao, Mỹ và Hàn Quốc đã chỉ ra đích danh từng cá nhân, phương tiện, quốc gia bị cho là đã vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ dành cho Triều Tiên. Tổng thống Trump mới đây đã cáo buộc Nga giúp đỡ Triều Tiên, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert tuyên bố, “không còn thời gian cho những lời báo chữa” khi đề cập đến việc Nga có thể đã tiến hành thương mại phi pháp với Bình Nhưỡng.

Ông Trump cũng từng nhắc tới một chính sách thương mại thắt chặt hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang là “bạn hàng” lớn nhất của Triều Tiên trên thế giới. Mặc dù những động cơ dẫn tới chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên – nhưng rõ ràng nó cũng là một yếu tố không thể không nhắc tới.

(Trái qua phải) Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence

Hay đây là câu trả lời của Triều Tiên trước thỏa thuận của Mỹ - Hàn?

Vấn đề với việc cấm vận một quốc gia nhỏ và “khép kín” như Triều Tiên là rất khó có thể khẳng định thời điểm các lệnh trừng phạt thực sự có tác dụng. Không ai nắm rõ được  Triều Tiên hiện có bao nhiêu nhiên liệu, thực phẩm hay tiền bạc; cũng như các doanh nghiệp Bình Nhưỡng đang “cất giấu” những chiêu bài nào.

Adam Mount, Giám đốc dự án Tình hình quốc phòng tại Tổ chức các nhà khoa học Mỹ viết trên Twitter rằng, Mỹ và Hàn Quốc đã tạm dừng các cuộc diễn tập quân sự song phương, cũng như các chuyến bay của phi cơ ném bom B-1B từng khiến Bình Nhưỡng “sôi máu”.

“Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng mở rộng giai đoạn yên ắng” và “kiềm chế hơn nữa” bằng cách giảm các cuộc tập trận, ông Mount đánh giá.

“Nếu bạn là Triều Tiên, và bạn thật sự muốn ‘đóng băng’,” Mount viết và đề cập đến ý tưởng từng được Trung Quốc đưa ra là Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các hoạt động tập trận đổi lại việc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân của mình. “Nếu Mỹ - Hàn Quốc giảm tập trận trước, chẳng phải sự hồi đáp của Triều Tiên sẽ rất giống như hiện tại?”, chuyên gia đặt câu hỏi.

“Động thái này chắc chắn sẽ phù hợp với nỗ lực cố tình kéo dài thỏa thuận Olympic,” ông Mount nói, đề cập đến việc Mỹ chấp nhận dừng các cuộc tập trận trong thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc.

Business Insider kết luận, cho dù sự gián đoạn các hoạt động diễn tập quân sự của Triều Tiên xuất phát từ việc thiếu nhiên liệu (dưới tác động của các lệnh trừng phạt), hoặc là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng – nhiều khả năng ông Kim Jong Un đã bắt đầu làm dịu lập trường của mình. Đây cũng chính là một mục tiêu chủ chốt trong chiến lược “tối đa hóa áp lực” mà chính quyền Tổng thống Trump đang áp dụng cho Triều Tiên. 

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ