Trẻ hay nôn, đặc biệt nôn vào buổi sáng: Cha mẹ cần đưa tới viện kiểm tra u não ngay!

Ngọc Anh | 01-06-2020 - 19:04 PM

(Tổ Quốc) - Theo PGS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Hà Nội trẻ em mắc bệnh lý u não có mức độ ác tính cao hơn so với các bệnh lý ung thư ở trẻ em.

U não là nguyên nhân tử vong cao nhất trong số các loại ung thư ở trẻ em

PGS Đồng Văn Hệ cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám và điều trị cho khoảng 3.000 người mắc bệnh u não, trong đó 80% là người lớn (ở độ tuổi từ 30-60) và 20% là trẻ em. Ở trẻ nhỏ nếu bị u não thường ác tính hơn rất nhiều.

Trường hợp của bé N.N.H. 6 tuổi, Quảng Ninh, được cha mẹ đưa đến kiểm tra. Bé H. thường xuyên kêu đau đầu nên bố mẹ cho đi khám. Kết quả cháu có nang ở tiểu não và bác sĩ cho biết nang này lành tính cần theo dõi và điều trị thêm.

Gia đình của bé H. rất hoang mang, lo lắng nên đưa con đến tuyến trung ương để kiểm tra thêm lần nữa. Khi khám, bác sĩ cho biết trường hợp của cháu H. là nang dịch lành tính và chỉ mổ khi có triệu chứng, do vậy phụ huynh không nên quá lo lắng.

Trẻ hay nôn, đặc biệt nôn vào buổi sáng: Cha mẹ cần đưa tới viện kiểm tra u não ngay! - Ảnh 1.

Hình ảnh khối u não

Còn trường hợp bé T. T. H. 10 tuổi, Sơn La bị u não thuộc vùng nguy hiểm - vùng giao thoa thị giác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thị giác, nội tiết, chèn ép não thất đồi thị. Gia đình cho biết, trước đó H. than thở nhìn khó nên gia đình đưa bé đi khám cận thị và mua kính đeo. Nhưng bé vẫn đau đầu kèm theo hay nôn vào buổi sáng.

Khi đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ chụp CT thấy có u trong não nên gia đình xin cho bé xuống Hà Nội. Bác sĩ chẩn đoán bé bị u não phải phẫu thuật lấy khối u để đảm bảo được chức năng nhìn cho bé.

U não là nguyên nhân tử vong cao nhất trong số các loại ung thư ở trẻ em. U não chiếm 1/4 số bệnh nhân do ung thư dưới 19 tuổi. U não di căn chiếm 30-50% các loại u não và đây cũng là loại u não hay gặp nhất. 

Theo PGS Đồng Văn Hệ u não có 2 loại, u não lành tính và u não ác tính. Trẻ em mắc u não có mức độ ác tính cao hơn so với người lớn. U não ở trẻ em hay gặp ở vùng hố sau và thường là ác tính.

Bệnh thường gặp ở trẻ em trên 5 tuổi đến 15 tuổi. Hiện nay chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân ung thư não nhưng với trẻ nhỏ có thể do căn nguyên từ trong bào thai.

Dấu hiệu nhận biết

Tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Hệ cho biết có trường hợp bệnh nhi phẫu thuật u não nhỏ nhất là cháu bé 2 tháng tuổi.

Dấu hiệu nhận biết u não ở trẻ rất khó nhưng nếu cha mẹ để ý con kỹ hơn sẽ thấy các bất thường.

Thứ nhất, dấu hiệu u não đó là trẻ thường hay nôn, đặc biệt nôn vào buổi sáng thì cha mẹ cần chú ý đưa con tới bệnh viện ngay.

PGS Hệ cho biết mới đây, có một phụ huynh phát hiện con nôn liên tục đã lên mạng tìm hiểu. Khi biết nôn là một trong những dấu hiệu của bệnh u não, chị đã đưa con tới bệnh viện thăm khám. Khi chụp cắt lớp não, phát hiện có một khối u lớn. Vì vậy, PGS hệ cho rằng cha mẹ thấy con có biểu hiện nôn ói bất thường phải đưa tới cơ sở y tế để thăm khám ngay.

Thứ hai: Đau đầu, co giật, bệnh u não có biểu hiện rất rộng, biểu hiện hay gặp là đau đầu, co giật.

Trẻ hay nôn, đặc biệt nôn vào buổi sáng: Cha mẹ cần đưa tới viện kiểm tra u não ngay! - Ảnh 2.

PGS Đồng Văn Hệ tư vấn cho bệnh nhân

Nếu người trưởng thành chưa bao giờ co giật, tự dưng có một ngày bị co giật thì 80% phải nghĩ đến u não, nên đi khám ngay, nếu không phải thì phải tìm nguyên nhân khác. Nếu đau đầu kèm theo mất thăng bằng, đứng không vững hoặc đi không vững cần nghĩ tới u não.

Thứ ba, giảm thị lực một mắt hoặc hai mắt, nếu thị lực hai mắt giảm dần thì khả năng bị u não càng cao. Mắt bị lác, nhìn đôi…

Bệnh u não nếu phát hiện muộn sẽ dẫn tới biến chứng như động kinh, mù, liệt nửa người, không nói hoặc không nghe được, nặng là hôn mê và tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh vô cùng quan trọng – PGS Hệ khuyến cáo.

Việc điều trị u não tuỳ thuốc vào mức độ ảnh hưởng của u, vị trí u và tốc độ phát triển của khối u. Các phương pháp điều trị não phụ thuộc vào loại u, kích thước u. Phẫu thuật là phương pháp lựa chọn đầu tiên với đại đa số u não, nhằm cắt bỏ hoàn toàn/tối đa u, bảo tồn được các vùng não có chức năng quan trọng.

Tuy nhiên, PGS Hệ cho biết, không phải cứ bị u não là nhất thiết phải mổ, là gặp nguy hiểm tới tính mạng. Trong quá trình điều trị, tôi đã gặp nhiều trường hợp người bệnh "chung sống hòa bình" với u não. Có những người bệnh không cẩn phải mổ não, chỉ cần sử dụng thuốc điều trị triệu chứng là có thể trở lại cuộc sống ổn định

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM