• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trong năm 2021, Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở

Thời sự 20/10/2020 19:18

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu; đồng thời điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.

Theo đó, người đứng đầu ngành tài chính cho hay, năm nay thu ngân sách ước đạt 1.323,1 nghìn tỉ đồng, hụt 189,2 nghìn tỉ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Nhiều khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế, phí, lệ phí, thu từ dầu thô, trong khi nợ đọng thuế còn cao.

Trong năm 2021, Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở  - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước thực hiện là 1.686,2 nghìn tỉ đồng, giảm 60,89 nghìn tỉ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, tăng kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt...

Về bội chi NSNN năm 2020, ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu; đồng thời điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Dù vậy, có một số quan điểm đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.

Việc điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu từ 1/7/2020. Song, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội quyết định chưa thực hiện. Quốc hội giao Chính phủ “căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở”.

Lần này, nếu đề xuất chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 được Quốc hội thông qua, mức lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ giữ nguyên, thời gian tăng tương tiếp tục hoãn.

Nhấn mạnh tình hình cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn trong giai đoạn tới, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ kiên quyết siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính; thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, tiết giảm mạnh chi thường xuyên, phấn đấu đạt khoảng 61% tổng chi ngân sách Nhà nước đến năm 2025.

Về nợ công, báo cáo thẩm tra nhận định, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ lại xu hướng tăng lên, sắp chạm mức trần cho phép.

"Đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu NSNN của năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu NSNN của năm 2021, sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau cao hơn năm trước, giảm mức an toàn tài chính quốc gia"- cơ quan thẩm tra cảnh báo./.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ