• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trong vòng một ngày hai chỉ đạo khác nhau, liệu giáo viên hợp đồng Hà Nội có cơ hội nào vào biên chế?

Giáo dục 16/11/2019 15:36

(Tổ Quốc) - Trước những lo lắng không còn cơ hội được tuyển dụng vào ngành Giáo dục của hàng nghìn giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội trong kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm nay, chỉ trong vòng 1 ngày, UBND TP. Hà Nội đã có 2 văn bản liên quan đến tuyển dụng viên chức giáo dục Hà Nội.

Đáng chú ý, nội dung 2 văn bản liên quan đến tuyển dụng viên chức giáo dục Hà Nội này có sự mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, ngày 15/11, UBND TP Hà Nội đã có công văn hỏa tốc số 5119/UBND-NC về việc xét tuyển đặc cách giáo viên có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện nội dung văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 05/11/2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước.

UBND TP cũng yêu cầu tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã để tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.

Trong vòng một ngày hai chỉ đạo khác nhau, liệu giáo viên hợp đồng Hà Nội có cơ hội nào vào biên chế? - Ảnh 1.

Hàng trăm giáo viên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội lo lắng trước kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục (ảnh: Vietnamnet)

Nhưng cũng trong ngày 15/11, UBND TP. Hà Nội lại có tiếp văn bản số 5130/UBND-NC, trong đó giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở GDĐT, UBND các quyện, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã vào ngày 17/11/2019 tới theo đúng kế hoạch.

Văn bản cũng nêu rõ, sau đó mới tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 và của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 05/6/2019, của Bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 05/11/2019.

Như vậy, tới thời điểm này "số phận biên chế" của những giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội vẫn chưa rõ sẽ thế nào. Chỉ biết, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có những chỉ đạo mâu thuẫn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tuyển dụng viên chức giáo dục.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành GDĐT Hà Nội sáng 12/8, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo trong năm nay phải giải quyết dứt điểm những tồn tại trong việc xét tuyển giáo viên diện hợp đồng lâu năm tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 01/10, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, toàn thành phố không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo Nghị định 161.

Gần đây, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hôm 07/11, cũng đã đề cập đến vấn đề biên chế và tuyển dụng đặc cách đối với các trường hợp giáo viên hợp đồng lâu năm ở các địa phương, tỉnh thành.

Theo văn bản Bộ trưởng Nội vụ ký hôm 05/11 gửi 63 tỉnh, thành rà soát, xem xét tuyển dụng đặc cách đối với các giáo viên được ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy thì sẽ được xét để chuyển thành biên chế công chức trong năm nếu còn.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị, "Hà Nội cũng phải làm nghiêm túc như thế. Có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng cũng nói rồi, các đồng chí cứ làm. Còn tuyển xong số giáo viên này mà vẫn thiếu thì thi tuyển theo đúng Nghị định 161".

Được biết, sau khi Bộ Nội vụ có công văn gửi 63 tỉnh, thành, một số Sở Nội vụ cũng đã dừng việc thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục để thực hiện tuyển dụng đặc cách các trường hợp viên chức giáo dục đủ điều kiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ trong văn bản này.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ