• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung-Ấn lui quân: Bắc Kinh vẫn xem Ấn Độ là phe gây rối, binh lính nín thở chờ "bóp cò"?

Thế giới 08/07/2020 18:53

(Tổ Quốc) - Sau cuộc đàm phán của các quan chức cấp cao Ấn Độ-Trung Quốc ngày 5/7, hai bên đã tiến hành rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa đưa ra những kế hoạch chi tiết.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích nguồn tin quân đội và các nhà quan sát cảnh báo con đường hòa bình phía trước Trung Quốc và Ấn Độ còn gập ghềnh.

"Vùng đệm" tạm thời

Theo SCMP, nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết cả hai bên đã quyết định rút quân khỏi những vị trí đã chiếm giữ trong hai tháng qua, nhưng đồng thời mô tả đó là những biện pháp tạm thời, bày tỏ quan điểm các chính trị gia cần tìm biện pháp lâu dài hơn để chấm dứt hoàn toàn căng thẳng.

"Việc rút quân có nghĩa quân đội hai phía không ở tiền tuyến, và hai bên không rút quân ngay lập tức mà sẽ lùi về khu vực nhất định, tùy thuộc vào vị trí," sĩ quan Ấn Độ nói với SCMP.

Truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin rằng hai nước đã thống nhất về "vùng đệm" nơi quân đội hai nước sẽ không thực hiện các hành động tuần tra cho đến khi cả hai quốc gia đi đến cơ chế tuần tra hợp lý hơn. Sĩ quan này cũng cho rằng sau quá trình rút quân, các cuộc đàm phán cấp chính trị cần phải được tiến hành.

"'Vùng đệm' này là sự bố trí mang tính hết sức tạm thời cho đến khi lãnh đạo hai bên có thể ngồi lại và thống nhất các vị trí cụ thể hơn và hoàn thiện kế hoạch tuần tra."

Nhà phân tích quốc phòng tại Đại học Jawaharlal Nehru Ấn Độ ông Swaran Singh lưu ý rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhiều lần nhấn mạnh mong muốn rút quân, giải quyết căng thẳng trong hòa bình sau cuộc đụng độ chết người tại biên giới hồi tháng 6. Nhưng trên thực tế, cả hai bên vẫn đang củng cố vị trí của mình. Ông Singh cảnh báo nguy cơ đối đầu giữa hai nước vẫn có thể tiếp tục kéo dài.

SCMP cho rằng tuyên bố mới nhất của hai nước đã nhấn mạnh mong muốn có được sự đồng thuận càng sớm càng tốt, tuy nhiên chi tiết cần triển khai thế nào, vẫn còn khá mờ nhạt.

Giáo sư Zhang Jiadong tại Đại học Phúc Đán, từng là nhà ngoại giao Trung Quốc tại Ấn Độ, lạc quan hơn về những triển vọng của thỏa thuận.

Ông cho rằng thỏa thuận cho thấy sự "nhất trí cao", không giống với thỏa thuận trước đó hồi đầu tháng Sáu về việc rút quân, cuối cùng lại để xảy ra đụng độ chết người ngày 15/6.

Thái độ trong tuyên bố

Các nhà phân tích đã chỉ ra thái độ khác biệt giữa tuyên bố mà hai bên đưa ra sau cuộc đàm phán hôm 5/7 giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval.

Một số ý kiến cho rằng phía Bắc Kinh vẫn tiếp tục coi Ấn Độ là "bên gây rối". Sĩ quan Ấn Độ nói với SCMP, về cơ bản, cả hai bên không còn ở vị trí tiền tuyến nhưng vẫn đang "nín thở" ở trạng thái chờ đợi [xung đột].

Trung-Ấn lui quân: Bắc Kinh vẫn xem Ấn Độ là phe gây rối, binh lính nín thở chờ bóp cò? - Ảnh 4.

Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval. Ảnh: The Hindu

Cụ thể trong cuộc đàm phán ngày 5/7, Ấn Độ tuyên bố hai bên "nên nghiêm túc tôn trọng Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) đồng thời không nên có những hành động đơn phương ảnh hưởng đến tình trạng bình thường cũng như hợp tác để tránh những tai nạn trong tương lai."

Tuyên bố phía Trung Quốc không đề cập đến LAC, chỉ thể hiện sự nhất trí cao việc giải quyết căng thẳng qua đối thoại và hai bên đồng ý tiến hành rút quân càng sớm càng tốt.

"Chuyện đúng-sai trong việc xảy ra ở Thung lũng Galwan là rất rõ ràng… Trung Quốc sẽ tiếp tục cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự yên bình ở biên giới."

Theo The Hindu mặc dù việc rút quân là tín hiệu tích cực, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran cảnh báo: "Tôi nhận ra trong tuyên bố của mình, Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền vùng Galwan với mục tiêu bảo vệ khu vực Trung Quốc coi là lãnh thổ. Căng thẳng có thể dịu đi nhưng quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc sẽ không bao giờ trở lại như trước."

Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Ấn Độ nói với SCMP, "Trong tuyên bố của mình, Trung Quốc đã có ý cho rằng Ấn Độ là bên có lỗi và khẳng định rằng nước này sẽ kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên trang MXH Lotus:

Thúy

NỔI BẬT TRANG CHỦ