• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Đông: Nga đang hồi sinh mạnh mẽ

Thế giới 06/12/2018 14:10

(Tổ Quốc) - Trong số các tổng thống, các thủ tướng, các vị vua và các hoàng tử thăm Moscow trong năm qua để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin có một số đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ.

Có một quyền lực mới đang gia tăng ở Trung Đông, và điều đó cần phải được chú ý.

Theo Washington Post, ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ và Hoa Kỳ nổi lên như một siêu cường không thể tranh cãi ở Trung Đông và Bắc Phi, một nước Nga hồi sinh đã trở lại. Dưới thời ông Putin nắm quyền, Nga ngày càng có sức mạnh cạnh tranh với vai trò chủ chốt của Mỹ trong khu vực.

Nga khai thác hiệu quả sức mạnh mới và cũ

Những người khai thác dầu mỏ, buôn bán vũ khí và tài chính Nga đã hoạt động khắp khu vực, chốt được hàng tỷ đô la các giao dịch, hồi sinh mối quan hệ cũ và thúc đẩy những mối quan hệ mới từ Libya đến Vịnh Ba Tư.

Sự can thiệp quân sự năm 2015 của Nga tại Syria có lẽ đã cho ông Putin đòn bẩy lớn nhất, cho thấy nhà lãnh đạo Nga là người quyết đoán và hiệu quả, mang lại những gì ông muốn đạt được: sự sống còn của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trung Đông: Nga đang hồi sinh mạnh mẽ - Ảnh 1.

Nga đã kêu gọi các nước phương Tây bắt tay giải quyết xung đột Syria. (Nguồn: AP)

Vấn đề Syria cũng đặt ông Putin vào mối liên hệ giữa các xung đột chồng chéo của Trung Đông, thúc đẩy ảnh hưởng của Nga vượt xa biên giới Syria và vươn tới các quốc gia có "phần" trong kết quả của cuộc chiến – những cặp đối thủ như Israel và Iran, Qatar và Saudi Arabia, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là, ông thường xuyên liên lạc điện thoại với các đồng minh của Hoa Kỳ như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel - gần ba chục lần với các nhà lãnh đạo của hai nước này chỉ trong năm vừa qua.

Ngoài Syria, Nga cho thấy ít có khuynh hướng can dự vào các xung đột trong khu vực, chẳng hạn như chiến tranh Yemen, tiến trình hòa bình Ả Rập-Israel và tranh chấp giữa Qatar và các nước láng giềng. Nhưng ông Putin chào đón bất cứ ai muốn đến thăm, làm cho Moscow trở thành điểm dừng chân cho các nhà lãnh đạo khi họ có vấn đề cần giải quyết.

"Ông Putin đang hoạt động hiệu quả như một nhà phân tâm học của khu vực," Malik Dahlan, một giáo sư về luật pháp quốc tế và chính sách công tại Đại học Queen Mary ở London, nói. "Người Nga rất vui khi được nghe tất cả các bên, và bất cứ ai muốn nói chuyện, họ rất vui khi lắng nghe."

Tiếng gọi từ đồng minh Mỹ

Các nhà lãnh đạo liên minh với Mỹ đã tới Moscow trong năm nay bao gồm vua Salman của Saudi Arabia; Tiểu vương Qatar; Hoàng Thái tử của Abu Dhabi và gần đây nhất là Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi.

Các cuộc gặp này mang tới cho ông Putin những đòn bẩy ảnh hưởng mới khi Hoa Kỳ đang cho thấy việc muốn hạn chế lực lượng ở Trung Đông, một phần để chống lại sự mở rộng của Nga và Trung Quốc ở nơi khác. Lời chào mừng nồng nhiệt của ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina với Hoàng tử Saudi Mohammed bin Salman đã minh họa mối quan hệ cá nhân mà ông Putin đang thiết lập với các nhà lãnh đạo khu vực.

Những lần thăm hỏi này cũng được chuyển thành kết quả hữu hình. Đã có một thỏa thuận giữa Nga và Saudi nhằm cắt giảm sản lượng dầu - kết quả từ chuyến thăm Moscow của Vua Salman năm ngoái, đã mang lại cho Nga vị thế mới trên thị trường năng lượng thế giới. Thông báo chung hôm thứ hai rằng hai nước sẽ tiếp tục cắt giảm sản xuất phản ánh quan hệ đối tác mới nổi – điều có tiềm năng cạnh tranh với sự bành trướng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Bên cạnh đó, ông Putin thường đối thoại với các nhà lãnh đạo khác về Syria và trong quá trình này, nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với một số người bạn thân nhất của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã gọi ông Trump là "người bạn thực sự" của Israel, đã có 11 cuộc điện đàm với ông Putin trong năm qua, trong khi chỉ có ba lần gọi điện với ông Trump.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ và đối tác trong NATO với lịch sử cạnh tranh lâu đời với Nga, đã trôi sâu hơn vào quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow khi sự hợp tác của họ ở Syria mở rộng và quan hệ với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong năm qua đã có 20 cuộc điện đàm với ông Putin và bảy lần với ông Trump. Quyết định của ông Erdogan mua hệ thống tên lửa S-400 tiên tiến của Nga, mà Moscow nói sẽ được giao vào năm tới, là một ví dụ về mối quan hệ đang phát triển của họ có thể thách thức sự gắn kết của NATO như thế nào. Nga cũng đã có mối quan hệ ấm hơn với Lebanon và Iraq, cả hai đều là đồng minh và nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ.

Giới hạn của Nga ở Trung Đông

Tuy nhiên, ông Putin vẫn nhận định rằng, nhiều vấn đề của Trung Đông không dễ giải quyết. Đi quá sâu vào các tranh chấp của khu vực có thể phơi bày các giới hạn về khả năng của Nga, mà họ thừa nhận là tụt hậu xa phía sau của Hoa Kỳ.

"Người Nga hiểu giới hạn của họ rất tốt. Tôi không nghĩ Nga muốn thay thế Mỹ ở khắp mọi nơi, điều đó sẽ rất tốn kém", Yury Barmin của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho biết. Nga có một chiến lược quân sự cho khu vực này, ông nói, với tập trung vào Địa Trung Hải. Nga đã bảo đảm quyền duy trì căn cứ dài hạn cho các lực lượng của mình tại Syria, bao gồm một căn cứ hải quân mở rộng tại Tartus, mang lại cho Nga sự hiện diện mạnh nhất từ trước đến nay tại Địa Trung Hải.

Moscow cũng đã mở rộng tầm với của mình vào Ai Cập, một đồng minh của Hoa Kỳ kể từ những năm 1970. Sau khi chính quyền Obama đình chỉ việc bán vũ khí cho Ai Cập vào năm 2014, Nga đã bước vào với việc bán máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công. Tiếp theo đó là một thỏa thuận cho phép Nga có quyền sử dụng các căn cứ quân sự Ai Cập và cam kết tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.

Tại nước láng giềng Libya, một cựu đồng minh của Liên Xô, các quan chức quân sự Nga đã thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ với người đứng đầu một nhóm lực lượng vũ trang Libya Khalifa Hifter trong khi vẫn kí kết các giao dịch dầu với chính phủ Libya được LHQ hậu thuẫn. Điều này có khả năng giúp Moscow đóng một vai trò trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào trong tương lai tại Libya.

"Về tổng thể, Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược với Nga trong một thời gian dài," chuyên gia Barmin nói. "Nga thấy khu vực đó là một khu vực quan trọng đối với quyền lực cứng, để chống lại NATO."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ