• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc bị cô lập lớn trong vấn đề Biển Đông

Thế giới 06/06/2018 15:00

(Tổ Quốc) - Cùng với những lời cảnh báo Trung Quốc, Mỹ tăng cường hành động kiềm chế và răn đe quân sự ở khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách quân sự tại Bắc Kinh hẳn không ngờ việc họ đưa máy bay ném bom hoạt động ở Hoàng Sa, đưa tên lửa tới Trường Sa – được xem là để phô trương sức mạnh tại khu vực – lại tạo phản ứng quốc tế giây chuyền bất lợi cho Trung Quốc. Các hành động được xem là quân sự hóa Biển Đông đã thúc đẩy một bước mới việc quốc tế hóa Biển Đông với sự hiện diện của ba cường quốc hàng hải thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh và Pháp. Điều Bắc Kinh kiêng kỵ nhất chính là các nước lớn bên ngoài can dự vào Biển Đông.

Ba thành viên Hội đồng Bảo an đòi hỏi “tự do hàng hải”, “trật tự dựa trên luật lệ”

Tại Diễn đàn Shangri-la 2018, không những Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra những lời cảnh cáo, mà hai Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Pháp đã lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải Biển Đông, cam kết sớm điều tàu chiến đến Biển Đông nhằm khẳng định duy trì trật tự hàng hải.

Bộ trưởng Jim Mattis phát biểu: “Đối với chúng tôi, những vùng biển này là vùng biển quốc tế tự do và mở cửa. Tất cả chúng ta đang nói về một Thái Bình Dương tự do, một châu Á-Thái Bình Dương tự do, một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Tự do có nghĩa là tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, đều có quyền hoạt động tại các vùng trời và vùng biển quốc tế”.

Jim Mattis tuyên bố: “Không một quốc gia nào có thể và nên tìm cách thao túng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… Chẳng có gì sai khi cạnh tranh, chẳng có gì sai khi có vị trí vững mạnh, song với những gì đã làm ở Biển Đông, Bắc Kinh chắc chắn sẽ lãnh hậu quả”.  

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly nói: Dù Pháp không  phải là nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song việc tiến hành các hành động thường xuyên với các đồng minh và bạn hữu góp phần duy trì trật tự tuân theo luật lệ.

Gavin Williamson, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, tuyên bố rằng 3 tàu chiến của Anh sẽ được triển khai tới khu vực trong năm nay nhằm chống lại tác động xấu và duy trì trật tự theo luật lệ. Ông nói: “Chúng tôi phải làm rõ rằng các quốc gia cần tuân theo luật lệ và sẽ có những hậu quả nếu không thực hiện như vậy”. 

 Chiến hạm Anh và Pháp sẽ góp mặt tại Biển Đông để bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc gỡ bỏ các thiết bị như tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa phòng không và thiết bị rađa gây nhiễu điện từ được đưa đến các đảo nhân tạo Trường Sa.

Đại biểu Trung Quốc bị cô lập

Các đại diện Trung Quốc tại Diễn đàn cảm nhận bị cô lập. Bên ngoài, họ cố bảo vệ quan điểm Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo, đưa tên lửa và phương tiện gây nhiễu điện từ đối với các máy bay nước ngoài hoạt động tại Biển Đông là không thể biện minh được. Nhất là vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết với Tổng thống Mỹ “không quân sự hóa Trường Sa”.

Đại biểu Trung Quốc bày tỏ bất mãn vì Trung Quốc bị cô lập tại Diễn đàn quốc tế Shangri-la 2018 trong vấn đề Biển Đông.

Đằng sau cánh gà Hội nghị, các đại biểu Trung Quốc phàn nàn họ ở vào thế bất lợi tại Diễn đàn và cảm thấy tiếng nói của họ bị bỏ qua, vì Diễn đàn do phương Tây chi phối, đã tạo nên khác biệt văn hóa. Yao Yunzhu, một tướng về hưu có mặt trong đoàn Trung Quốc, nhận xét “Mỹ đã tạo ra loại ngôn ngữ với các từ ngữ như ‘trật tự dựa trên luật lệ’, ‘tự do hoạt động tại vùng biển và vùng trời’, ‘quân sự hóa’ – một khi nghe những từ ngữ này tự nhiên là nhằm phê phán Trung Quốc”.

Sự khác biệt không phải là ở “văn hóa” mà vì hành động có tính khiêu khích của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế đã đạt tới lằn ranh giới báo động. Hành động của Trung Quốc đang đặt các đường biển trong tình thế nguy hiểm. Trường Sa nằm ngay sau eo biển Malacca, một con đường hẹp mà hầu như một nửa thương thuyền thế giới đi qua hàng năm. Phần lớn các con tàu đều đi qua vùng biển này để tiếp tục hành trình ở châu Á, với nhiều quốc gia lệ thuộc vào dầu thô, khí lỏng và hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực

Cùng việc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018, Mỹ đang cân nhắc đưa chiến hạm đi ngang qua eo biển Đài Loan; Mỹ đã cử máy bay ném bom chiến lược bay gần khu vực Trường Sa; cử hai tàu chiến tuần tra các khu vực 4 đảo ở Hoàng Sa.

Theo phát biểu của Bộ trưởng Mattis tại Shangri-la, hiện tại, 60% tàu chiến Mỹ, 55% lục quân Mỹ, 2/3 hạm đội lính thủy đánh bộ Mỹ  đã được điều vào biên chế Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nay được đổi thành Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; trong tương lai không xa, 60% các phương tiện không quân chiến thuật đặt ở hải ngoại của Mỹ sẽ được điều chuyển tới khu vực tác chiến này.

Đồng thời, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa thương lượng với Trung Quốc. Quả bóng đang ở sân Trung Quốc./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ