• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu mô hình chống COVID-19: Nơi nào "hỉ hả", nơi nào hoài nghi?

Thế giới 13/04/2020 16:27

(Tổ Quốc) - Giữa những chỉ trích từ Washington, Bắc Kinh không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của mình trong cuộc chiến đối phó với virus corona mới trên toàn cầu.

Reuters đăng tải, tháng trước, khi đặt chân tới thủ đô Belgrade của Serbia, 6 chuyên gia y tế đến từ Trung Quốc đã nhận được một màn tiếp đón hoành tráng với sự có mặt của chính Tổng thống Aleksandar Vucic cùng một loạt quan chức chính phủ. Sau những cái ôm và bắt tay nồng nhiệt, ông Vucic thậm chí còn đặt nụ hôn lên hai lá cờ Serbia và Trung Quốc.

Tại Serbia – một trong những đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh tại châu Âu cũng như ở một số quốc gia khác có quan hệ tốt với Trung Quốc, Trung Quốc đang trực tiếp chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết đối phó với virus corona mới. Đây cũng chính là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Bắc Kinh, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Quốc gia châu Á đang phải đối mặt với những chỉ trích từ Washington và phương Tây về những phản ứng ban đầu chậm trễ khi các ca nhiễm virus đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm ngoái.

Những nỗ lực của Bắc Kinh xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh trên toàn cầu và vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Nhưng ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, các chính phủ phương tây đã bắt đầu bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng quốc tế ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, bao gồm cả những hoạt động nằm trong sáng kiến xây dựng hạ tầng cơ sở Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu mô hình chống COVID-19: Nơi nào "hỉ hả", nơi nào hoài nghi? - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc được cử tới Serbia để chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19 (ảnh: Reuters)

"Không nghi ngờ gì Trung Quốc sẽ sử dụng dịch bệnh COVID-19 để thúc đẩy những cái mà họ gọi là phục vụ cho lợi ích quốc gia của mình", ông Gordon Houlden, một cựu nhân viên ngoại giao người Canada và hiện đang là giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học Alberta nhận định. "Họ cũng sẽ viện tới cả việc thúc đẩy mô hình điều hành, cụ thể là phương pháp luận dịch tễ học".

Phương pháp luận này được dựa trên cách tiếp cận quyết đoán và toàn diện được Trung Quốc lựa chọn để chiến đấu chống lại virus như phong tỏa toàn bộ Vũ Hán hay các kinh nghiệm mà chính họ đã trải qua khi là quốc gia đầu tiên trên thế giới bị bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Trong một buổi họp báo vào giữa tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho hay, mục đích của việc gửi các đội ngũ y tế ra nước ngoài là để chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc khi đối phó với virus chứ không phải là "xuất khẩu" mô hình điều hành, quản lý.

Ngoài Serbia, các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng có mặt tại Campuchia, Iran, Iraq, Lào, Pakistan, Venezuela và Italy. Không chỉ là quốc gia G7 duy nhất tham gia và Sáng kiến "Vành đai và Con đường", Italy còn là tâm dịch đầu tiên và nghiêm trọng nhất tại châu Âu. Tuần trước, đội ngũ gồm 12 chuyên gia Trung Quốc cũng đã tới Philippines để hỗ trợ các nhân viên y tế nơi đây chống lại COVID-19.

Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc, Trung Quốc đã viện trợ hoặc bán thiết bị y tế cho khoảng 90 quốc gia, trong đó có cả những đối thủ như Mỹ, đồng thời thực hiện nhiều hội nghị trực tuyến với các nước và tổ chức quốc tế để trao đổi bí quyết và phương pháp đầy lùi sự lây lan của đại dịch.

"Chúng tôi hy vọng các nước khác sẽ không lặp lại bi kịch của Trung Quốc", ông Peng Zhiqiang, một chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật tỉnh Quảng Đông nhấn mạnh. Ông Peng cũng là người đứng đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc đang có mặt tại Serbia.

Lời khuyên từ các chuyên gia Trung Quốc

Theo ông Peng và ông Liang Wenbin, một thành viên của phái đoàn chuyên gia Trung Quốc tới Campuchia tháng trước, các chuyên gia Trung Quốc đề nghị một số nước chủ nhà xây dựng các bệnh viện dã chiến (giống bệnh viện 1.000 giường mà Trung Quốc từng xây dựng chỉ trong 8 ngày tại Vũ Hán). Các nước cũng được khuyên thực hiện loạt biện pháp quản lý virus từng giúp Trung Quốc kiểm soát được các ca lây nhiễm mới.

Những biện pháp này bao gồm cô lập hoặc cách li những người có triệu chứng nhẹ nhằm cắt đứt sớm khả năng virus lây lan, các cách điều trị kết hợp cho bệnh nhân đã dương tính với virus và kiểm tra thân nhiệt diện rộng đối với người dân tại các địa điểm công cộng…

Dựa vào lời khuyên của Trung Quốc, Serbia đã bắt đầu cách li những người có triệu chứng nhẹ và triển khai quân đội xây dựng các bệnh viện dã chiến cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Giới chức Serbia tỏ ra hài lòng với kết quả khi cho rằng, các biện pháp đã giúp làm chậm lại mức độ lây lan của virus.

"Chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận và với sự hỗ trợ từ chuyên gia Trung Quốc, chúng tôi đang tiến hành xét nghiệm rộng rãi", một nguồn tin thân cận với Tổng thống Serbia tiết lộ.

"Các bác sỹ Trung Quốc cũng hoan nghênh những biện pháp mà chính phủ Serbia thực hiện và chúng tôi đã làm theo hình mẫu của Trung Quốc, đó là tìm đến và điều trị càng nhiều người càng tốt – tất cả những ai bị nhiễm", người trên chia sẻ thêm.

Cách li và ngừng cấp visa

Tại Campuchia, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia Trung Quốc, việc cấp visa cho du khách quốc tế đã nhanh chóng bị tạm dừng. Quốc gia Đông Nam Á đang chuẩn bị cho làn sóng người về nước nhân dịp lễ năm mới của người Khmer.

Cambodia cũng đang cân nhắc khả năng cải tạo các khách sạn và trường học thành nơi cách li cho người hồi hương nếu cần thiết.

"Quy định hạn chế mới nhất là giới hạn di chuyển cá nhân và cấm du khách nước ngoài nhập cảnh cũng chính là những biện pháp mà Trung Quốc từng sử dụng", bà Liang, một thành viên của nhóm chuyên gia Trung Quốc tới Campuchia chỉ ra.

Bất chấp những nỗ lực nâng cao hình ảnh, Trung Quốc vẫn đang phải hứng chịu thái độ hồ nghi và chỉ trích từ Washington và một số nước phương tây do từng che giấu thông tin cũng như cố tình làm giảm tính nghiêm trọng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu.

"Tôi không nghĩ nhiều quốc gia sẽ sớm quên đi rằng, chính những sai lầm đầu tiên của Trung Quốc đã góp phần dẫn tới virus lây lan ra toàn cầu", ông Ryan Hass, một giám đốc phụ trách về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc Mỹ dưới thời chính quyền Obama, đánh giá.

Tuy vậy, phản ứng tại một số quốc gia như Serbia cho tới nay là khá tích cực.

Tại Belgrade, nhóm bác sỹ Trung Quốc đã tới thăm một tượng đài tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đại sứ quán Trung Quốc bị Mỹ ném bom nhầm hồi năm 1999. Một tấm biển lớn đã được dựng lên tại một con phố trung tâm thủ đô trên đó ghi dòng chữ "Cám ơn, người anh cả Tập".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ