• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc khẩn trương tiến tới Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19

Thế giới 10/08/2017 11:23

(Tổ Quốc)-Công tác trù bị đã hoàn thành, chỉ còn lại 2-3 vấn đề kịch tính.

Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc  sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm nay, sớm hơn dự kiến một tháng, có thể là để Chủ tịch nước/Tổng bí thư Tập Cận Bình sang dự cấp cao APEC tại Việt Nam vào tháng 11 với tư cách “tái đắc cử”.

Công tác trù bị cho Đại hội đã căn bản hoàn thành. Đại hội đại biểu cấp cơ sở trong toàn quốc đã tiến hành xong hôm 30/6/2017. Đã xác định xong 2.300 đại biểu; sẽ bầu  Ban chấp hành Trung ương khóa mới, dự kiến khoảng 370-390 ủy viên. Khung lý luận tổng thể về đường lối xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quản trị đất nước đã định hình hoàn chỉnh qua 6 kỳ Hội nghị Trung ương từ năm 2013-2016.

Vương Kỳ Sơn (ngồi đầu bên trái) - nhân vật gây nhiều tranh cãi về “ở lại hay ra đi”, gắn với việc chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục hay sẽ giảm tông sau Đại hội 19?

 

Hàng loạt điều động nhân sự trong đảng, chính quyền và quân đội, ở cấp trung ương và địa phương, đã diễn ra khẩn trương trong hai năm qua. Trong hàng lãnh đạo cấp cao như ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, hầu hết các nhân vật 4x  hoặc sinh từ năm 1952 trở về trước sẽ nghỉ hưu. Việc Tôn Chính Tài, Ủy viên Bộ Chính trị, sinh năm 1960, người được ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cất nhắc đề bạt, vừa bị miễn nhiễm chức Bí thư Trùng Khánh, cho thấy việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội vẫn diễn ra khẩn trương và kịch tính.

Một trong số ít nhân vật ngoại lệ đang gây nhiều tranh cãi về “ở lại hay ra đi” là Vương Kỳ Sơn - ủy viên Thường vụ BCT, Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, người đóng vai trò đắc lực và “không khoan nhượng” trong cuộc chiến chống tham nhũng và thanh lọc môi trường chính trị. Việc ông Vương không xuất hiện trước công chúng trong vòng 2 tháng qua đang dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng ông Vương sẽ từ biệt chính trường. Mặc dù là nhân vật thân tín bậc nhất của ông Tập và là một nhân tài hiếm có, nhưng trong 5 năm chấp pháp vừa qua, ông Vương đã tạo ra quá nhiều kẻ thù nội bộ.

Chiến dịch “đả hổ, đập ruồi” làm cho khoảng 1,2 triệu cán bộ đảng viên “ngã ngựa”. Chiến dịch “Lưới trời” (Sky Net) và “Săn Cáo”(Fox Hunt), tính đến ngày 31/3/2017, đã bắt và đưa về Trung Quốc 2.873 đối tượng đào tẩu tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 476 đối tượng là các cựu quan chức và khoảng 40 đối tượng nằm trong danh sách “truy nã Đỏ” của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).

Vợ chồng Vương Kỳ Sơn cũng không có con cái gì. Ông ta đã đưa được một số nhân vật dưới quyền vào các chức vụ cao qua các đợt điều chuyển cán bộ gần đây, nên có thể chủ động rút lui, để lại danh tiếng như “Bao Chửng” thời Tống chăng.

Đến trước Đại hội, có ba vấn đề được dư luận quan tâm hơn cả: Một là, nhân dịp có 5 trong số 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đến tuổi nghỉ hưu, ai sẽ được đưa vào Thường vụ mới? Ông Tập Cận Bình sẽ đưa được mấy người thân tín vào cơ quan quyền lực cao nhất này? Và cơ cấu nào cho Thường vụ BCT?

Trừ hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường còn tuổi để tại nhiệm, hiện có 7 ứng cử viên cho 5 vị trí  ủy viên Thưòng vụ BCT khóa 19, gồm: Lý Nguyên Triều (Phó Chủ tịch nước), Uông Dương (Phó Thủ tướng chính phủ), Triệu Lạc Tế (Trưởng ban Tổ chức TW), Lật Chiến Thư (Chánh Văn phòng TW), Vương Hộ Ninh, (Chủ nhiệm Văn phong nghiên cứu chính sách), Hồ Xuân Hoa (Bí thư Quảng Đông), Hàn Chính (Bí thư Thượng Hải).

Ở khắp nơi, rừng núi, nông thôn, thành thị Trung Quốc xuất hiện các biểu ngữ về Tập Cận Bình và các nhiệm vụ đặt ra (trong ảnh: quán triệt thuyết "bốn toàn diện")

 

Hai là, với quyền lực được củng cố vững chắc hơn nữa tại Đại hội này, liệu ông Tập Cận Bình có khởi động một số biện pháp cải cách quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai, bao gồm điều chỉnh mang tính kết cấu đối với chế độ chính trị. Liệu sẽ có chức vụ Chủ tịch Đảng, thay vì Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước? Tổng bí thư sẽ là người điều hành công tác đảng như Đặng Tiểu Bình từng đảm nhiệm trước Cách mạng Văn hóa?

Ba là, “tư tưởng Tập Cận Bình” có được xác định và đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, để trở thành một tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài “Tư tưởng Mao Trạch Đông” hay không? Theo Liên hợp tảo báo (Singapore), bản phát hành tại địa bàn Trung Quốc số ra ngày 4/8, “tư tưởng Tập Cận Bình” đã được ấp ủ một thời gian sắp ra đời. Trong cuộc tọa đàm hẹp của giới truyền thông Trung Quốc ngày 3/8, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCS/TQ Tưởng Kiến Quốc cho biết quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới về cầm quyền trị nước của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã cơ bản được hình thành một cách hoàn chỉnh, khoa học cả về lý luận lẫn thực tiễn, và như vậy có thể coi nó như là một hệ tư tưởng”. Tưởng Kiến Quốc mô tả hệ tư tưởng này là “mới mẻ, đầy sức sống”, là sự Trung Quốc hóa, hiện đại hóa, công chúng hóa chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời đã được đa số người dân Trung Quốc nắm vững, đã đi vào đời sống ngôn ngữ quen thuộc của nhân dân.

Trong lịch sử ĐCS Trung Quốc, chỉ có “tư tưởng Mao Trạch Đông” và “lý luận Đặng Tiểu Bình”, với tên riêng, được đưa vào Điều lệ Đảng. “Tư tưởng Mao Trạch Đông” cũng chỉ được đưa vào 2 lần 1945 và 1969. Nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ đưa được cả tên riêng của mình vào các văn kiện Đại hội, như vậy sẽ trở thành “lãnh tụ” của thời đại mới của Trung Quốc. Ngày 30/7 vừa rồi, nhân lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc, người điều khiển cuộc duyệt binh - Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã xưng danh Tập Cận Bình là “thống soái tối cao”, được xem là bước chuẩn bị dư luận trước Đại hội. Tương quan trong Thường vụ BCT gồm 7 người sẽ quyết định cách thức sẽ được đưa vào các văn kiện Đại hội – là “tư tưởng”, “lý luận” hay “chủ thuyết”.

Nếu không có điều gì bất trắc, ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của mình sau Đại hội 19, và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ chào đón 100 năm thành lập đảng trong thời gian này./.

Hoài Nam 


NỔI BẬT TRANG CHỦ